Hàng chục vụ đại án được đưa ra ánh sáng trong 10 năm qua
Chương trình Đối diện của Đài Truyền hình Việt Nam với chủ đề "Không thể xuyên tạc sự thật" đã phản bác những luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc cũng như đánh giá một cách toàn diện những thành tựu, và rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2022 đánh dấu một sự kiện rất quan trọng: Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Đối với các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, mọi khía cạnh trong xã hội đều có thể được lợi dụng để xuyên tạc, và phòng chống tham nhũng cũng không tránh khỏi.
10 năm Đảng ta đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng thì cũng chừng ấy thời gian, những luận điệu như vậy được tung ra, đặc biệt trên không gian mạng với mục đích không gì hơn là nhằm tạo ra những nghi kỵ giữa Đảng - người dân và ngay trong nội bộ những cán bộ, đảng viên về mục đích của cuộc chiến chống tham nhũng.
Năm 2019, 2 cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng đã bị truy tố vì để cho một cá nhân thâu tóm hàng loạt nhà đất công sản, gây thất thoát hàng chục nghìn tỉ đồng.
Năm 2020, cựu Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang bị khởi tố vì vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.
Hàng loạt cán bộ cao cấp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương đã bị xử lý vì những vi phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực
Mới đây, cựu Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đã bị khởi tố bắt tạm giam vì vi phạm liên quan Kit xét nghiệm COVID-19. Trước đó, một cựu Chủ tịch khác của thủ đô - ông Nguyễn Đức Chung cũng đang bị xét xử vì lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Đây chỉ là những ví dụ trong hàng nghìn vụ án đã bị điều tra, truy tố, xét xử trong những năm qua.
Hàng loạt cán bộ cao cấp của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương đã bị xử lý vì những vi phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực.
Rõ ràng, nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai đã và đang được triệt để thực hiện trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Vô căn cứ luận điệu "cuộc chiến chống tham nhũng là thất bại"
Thế nhưng, phủ nhận thực tế đó, không ít trang tin thiếu thiện chí với chế độ, những tổ chức phản động núp bóng dân chủ, nhân quyền và những phần tử bất đồng chính kiến vẫn ra rả luận điệu cũ, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Đảng là "thanh trừng nội bộ", là "phe cánh này đánh phe cánh kia".
Chúng ta càng chống tham nhũng quyết liệt bao nhiêu thì những giọng lưỡi xuyên tạc, bôi nhọ công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực lại xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều bấy nhiêu.
Các đối tượng này, thông qua mạng internet, mạng xã hội, thường đăng tải các bài viết với dòng tít gây sốc, khiến người đọc tò mò, như kiểu "Có ai còn tin câu: Chống tham nhũng ở Việt Nam không có vùng cấm?" rồi "Chống tham nhũng ở Việt Nam là tự sát?" hay là "Sao tham nhũng vẫn cứ trơ trơ", bất chấp thực tế là cả hệ thống chính trị đang cho thấy tinh thần "nói không" với tham nhũng, qua các giải pháp ngày càng mạnh mẽ hơn.
Nhiều luận điệu xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam
Những luận điệu này đều hướng tới một kết luận chung rất vô căn cứ, đó là đã là một chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không thể chống tham nhũng. Vậy bản chất của những luận điệu này là gì?
Một luận điệu được một số những kẻ đứng ngoài dòng chảy như tổ chức phản động Việt Tân rêu rao rằng cuộc chiến chống tham nhũng là "thất bại". Vì càng chống, thì tham nhũng lại càng nhiều.
Đó chỉ là chiêu bài của những kẻ lấy hiện tượng bên ngoài để xuyên tạc bản chất bên trong. Bởi thực chất, một Đảng mạnh là Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, dám đấu tranh công khai và quyết liệt để ngăn chặn và đẩy lùi một trong những tệ nạn gắn liền với quyền lực nhà nước. Cái "nhiều" mà Việt Tân rêu rao chính là sự công khai minh bạch các quy trình xử lý tham nhũng, tiêu cực của Đảng, của các cơ quan điều tra, tố tụng và sự xét xử nghiêm minh đúng pháp luật của tòa án.
Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức phản động núp bóng dân chủ, nhân quyền diễn giải thiển cận rằng chỉ có cơ chế tam quyền phân lập mới chống được tham nhũng hiệu quả.
Còn trang tin BBC Việt ngữ trích dẫn những ý kiến xuyên tạc về tình hình tự do ngôn luận, tính độc lập của tòa án và mô hình phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, với luận điệu quy chụp rằng công cuộc phòng, chống tham nhũng không thể có kết quả với chế độ một đảng cầm quyền.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang không ngừng hoàn thiện thể chế để phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng một cách hiệu quả. Vì vậy, chỉ sau 10 năm, Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) toàn cầu của Việt Nam đã tăng 36 bậc. Từ 123/176 quốc gia năm 2012 lên 87/180 quốc gia năm 2021.
Tham nhũng dần được đẩy lùi nhưng cuộc chiến chưa kết thúc
Chống tham nhũng, tiêu cực đã là mục tiêu xuyên suốt của Đảng. Năm 2012 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, đó là sự ra đời của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với đồng chí Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo.
10 năm qua, một thực tế mà không ai có thể phủ nhận, đó là công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Hàng chục vụ đại án được đưa ra ánh sáng, hàng nghìn đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng và hàng chục cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự.
10 năm qua, 2.741 tổ chức Đảng và 7.393 Đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái
Đó là minh chứng cho một tinh thần kiên trì, bền bỉ, không có vùng cấm mà Đảng ta đã xác định trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để tiến tới xóa đi mối nguy đối với sự tồn tại của Đảng, của chế độ, tạo môi trường trong sạch cho phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả to lớn, nhưng cũng từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng tham nhũng, dù dần được đẩy lùi, vẫn còn hết sức phức tạp, và cuộc chiến này chưa thể kết thúc. Rất mừng là Đảng ta nhận thức rất rõ điều đó, và đã có những chủ trương cho thấy, chống tham nhũng cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, không chùng xuống, không chậm lại và không có vùng cấm.
Quan trọng hơn, phòng, chống tham nhũng giờ đây đang dần chuyển sang thế chủ động. Tấn công trên một diện rộng hơn, từ trung ương xuống tới các địa phương, từ khu vực công, mở rộng sang khu vực tư. Từ xử lý vụ việc, chuyển sang tấn công vào những yếu tố được coi là gốc rễ của tham nhũng, như là kiểm soát quyền lực, hay là vấn đề đạo đức của cán bộ, đảng viên.
Mượn "chiếc áo nhân đạo" thực hiện gần 2.000 chuyến bay giải cứu đồng bào khỏi vùng dịch, một số cán bộ Cục Lãnh sự và đồng phạm đã bỏ túi khoảng 4.000 tỉ đồng.
Trịnh Văn Quyết và cộng sự đã thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi bất chính, ước tính 975 tỉ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho các nhà đầu tư, làm mất niềm tin thị trường. Cuộc chiến chống tham nhũng đang mở rộng từ khu vực công sang khu vực tư.
Nhìn lại những vụ đại án đã bị phát hiện xử lý, quả thật những vụ đại án sẽ không thể xảy ra với tính chất, quy mô và mức độ đặc biệt nghiêm trọng như vậy nếu không có sự tham gia, giúp sức, của những cán bộ tham nhũng, biến chất.
Thực tế từ nhiều vụ tham nhũng tiêu cực nghiêm trọng cho thấy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là giải pháp để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng từ sớm, từ xa, từng bước tiến tới hạn chế mầm mống này.
10 năm qua, kết quả phòng chống tham nhũng đã có những thành tựu nhất định. Nhưng quay trở lại lời dạy của Bác Hồ "cán bộ là gốc của mọi công việc" – muốn công cuộc phòng chống tham nhũng thành công thì cán bộ, Đảng viên cần liêm – chính cả trong suy nghĩ và hành động.
Năm 2012, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với Tổng Bí thư là Trưởng Ban Chỉ đạo ra đời đã tạo nên một dấu mốc trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng. Bằng chứng là hệ thống chính trị ngày càng vững chắc hơn, đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững hơn.
Do đó, với Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhiều kỳ vọng đã được đặt ra, đó là sự kiện quan trọng này sẽ mở ra những phương hướng mới, đột phá hơn, tiếp tục trở thành một dấu mốc mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng mong mỏi của cán bộ, đảng viên và nhân dân và để đất nước vươn tới sự thịnh vượng khi mà thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng vào 2030 và 100 năm thành lập nước vào năm 2045 đang tới gần.
Cùng bàn luận về chủ đề này trong chương trình Đối diện là 2 khách mời: TS. Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương và nhà báo Nhị Lê - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!