Đề xuất nhà đầu tư có quyền sử dụng đất không phải đất ở để xây nhà ở thương mại

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 04/01/2022 11:53 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Việc sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là chính sách lớn, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động.

Sửa đổi quy định hình thức sử dụng đất sẽ tác động đa chiều đến thị trường bất động sản

Sáng 4/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, để đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Đề xuất nhà đầu tư có quyền sử dụng đất không phải đất ở để xây nhà ở thương mại - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Ảnh: TTXVN

Đáng chú ý là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Trong đó, dự án luật đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở) theo hướng:

Quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật:

- Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp;

- Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở;

- Có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở.

Đồng thời, để bảo đảm tính minh bạch, chặt chẽ, không thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo Luật bổ sung quy định, sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất khác thuộc dự án đầu tư (nếu có) sang đất ở và nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành sự cần thiết nghiên cứu, sửa đổi nội dung này. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá kỹ hơn thực tiễn thi hành Luật, làm rõ vướng mắc nào xuất phát từ quy định của Luật, vướng mắc nào do các nguyên nhân khác để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Việc sửa đổi cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, khả thi, tháo gỡ được các vướng mắc thực tế hiện nay; đồng thời, bảo đảm quản lý chặt chẽ đất đai, phòng ngừa việc trục lợi chính sách; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

Một số ý kiến cho rằng đây là chính sách lớn, tác động đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai, có thể tác động đa chiều đến thị trường bất động sản, do vậy, đề nghị Chính phủ đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng hơn các tác động của chính sách, dự báo tình hình chuyển mục đích sử dụng đất, khả năng phát sinh khiếu nại, tố cáo về đất đai để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị xem xét đồng bộ vấn đề này khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở và Luật Đất đai.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ việc áp dụng quy định của dự thảo Luật đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đối với các loại đất khác không phải là đất ở nhưng đã gần hết thời hạn sử dụng đất.

Đối với việc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng các loại đất thuộc dự án đầu tư mà không phải là đất ở, để bảo đảm sự kết nối với quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của Luật Nhà ở và pháp luật về đất đai, bảo đảm sự minh bạch về thủ tục đầu tư, đề nghị làm rõ các điều kiện mà nhà đầu tư phải đáp ứng để được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong quá trình nhà đầu tư thực hiện thủ tục để được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư; giá trị của văn bản thẩm định về đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư) khi nhà đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Về kỹ thuật lập pháp, Ủy ban Pháp luật đề nghị thể hiện trong một điều riêng của dự thảo Luật nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở mà không ghép trong Điều 3 về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.

Sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ

Cũng trong nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, dự án Luật đề xuất bổ sung số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: "Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự)".

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; đồng thời, chỉ đạo rà soát Danh mục theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Đề xuất nhà đầu tư có quyền sử dụng đất không phải đất ở để xây nhà ở thương mại - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: TTXVN

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về thu hút, xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Điều 5 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng quy định nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng"; "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trừ các dự án lưới điện do nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ"; "Các tổ chức hoạt động điện lực và sử dụng điện đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật được quyền đấu nối vào lưới điện do thành phần kinh tế đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển điện lực".

Đa số ý kiến Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra về nội dung) tán thành với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực; việc sửa đổi, bổ sung Luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh tiến độ sửa đổi tổng thể Luật Điện lực, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định có liên quan trong Luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, vấn đề quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, quy định như dự thảo Luật chưa thực sự chặt chẽ vì lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng nhưng có vai trò quan trọng đối với an toàn hệ thống điện quốc gia thì Nhà nước cần vận hành. Thứ 2, quy định tại dự thảo Luật chưa thể chế hóa theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW để bảo đảm yếu tố "độc lập" trong vận hành lưới điện truyền tải "dưới sự kiểm soát của Nhà nước".

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần quy định cụ thể và phù hợp hơn.

Về thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực truyền tải điện. Đồng thời, trong Quy hoạch điện cần xác định 2 danh mục dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng và do tư nhân đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, đề nghị chuyển quy định "quyền đấu nối" tại Điều 4 như dự thảo Luật về Điều 40 về "Quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước