Đề xuất người bệnh được bồi thường nếu sai sót khi khám chữa bệnh

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 13/06/2022 09:48 GMT+7

VTV.vn - Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), trong mối quan hệ với người hành nghề khám chữa bệnh, người bệnh đang ở thế yếu.

Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại Quốc hội sáng nay (13/6), đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) khi đề cập đề quyền và nghĩa vụ của người bệnh, nữ đại biểu này đề nghị bổ sung thêm một quyền của người bệnh đó là quyền được bồi thường thiệt hại nếu xảy ra sai sót về chuyên môn.

“Việc này đang diễn ra và cần được luật hóa để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ sở y tế và người hành nghề. Đồng thời đảm bảo được đầy đủ quyền của người bệnh”, đại biểu đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh.

Đề xuất người bệnh được bồi thường nếu sai sót khi khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Cũng liên quan đến quyền lợi của người bệnh, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) dẫn bài viết được một tờ báo đăng tải ngày 3/6 cho biết trong một đơn thuốc kê tại một bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân đã phải chi 4,8 triệu đồng cho thực phẩm chức năng, trong khi chỉ phải chi 400.000 đồng thuốc điều trị. Bài báo này cũng đưa tin đơn thuốc tại bệnh viên này thường xuyên đắt đỏ như vậy nên nhiều bệnh nhân phải bỏ viện ra về.

“Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người bệnh phải chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh”, đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hiếu, trước đây dư luận đã đề cập đến nhiều trường hợp, bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám chữa bệnh, thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót, trong quá trình khám chữa bệnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám chữa bệnh.

“Do vậy về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh”, đại biểu đoàn Nghệ An nhấn mạnh.

Đề xuất người bệnh được bồi thường nếu sai sót khi khám chữa bệnh - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An)

Đại biểu Hiếu cho rằng qua nghiên cứu của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhận thấy tại dự thảo về quyền của người bệnh chỉ bao gồm 6 điều và quy định tương ứng với nghĩa vụ của người hành nghề. Các quy định này vừa thiếu lại chỉ dừng lại ở những quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ. Chưa có các cơ chế cụ thể để đảm bảo người bệnh thực hiện được các quyền của mình.

Nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là lấy người bệnh làm trung tâm như tờ trình của Chính phủ đã xác định.

Do vậy, ông Hiếu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn, bổ sung các quy định, mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề. Theo đó dự thảo luật cần khẳng định, mối quan hệ này, người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh.

“Cụ thể dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh dưới 3 góc độ. Một là trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh; Hai là trách nhiệm bảo mật thông tin người bệnh; Ba là về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích”, ông Hiếu đề xuất.

Đề xuất người bệnh được bồi thường nếu sai sót khi khám chữa bệnh - Ảnh 3.

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Thứ nhất về trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh, theo ông Hiếu, ngoài những nội dung đã được dự thảo luật quy định tại điều 8 và 11, cần phải quy định người hành nghề phải bắt buộc thông tin cho bệnh nhân về những ưu, nhược điểm; rủi ro, tác dụng phụ… của phương pháp chữa bệnh, giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có. Chứ không chỉ dừng lại ở những quy định chung như dự thảo hiện nay. Đồng thời cần khẳng định trách nhiệm này phải thực hiện liên tục trong qua trình khám chữa bệnh, nhất là trong trường hợp có diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân.

Thứ hai về trách nhiệm bảo mật thông tin người bệnh, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng cần quy định rõ thầm quyền truy cập và sử dụng thông tin của hệ thống này để đảm bảo thông tin bảo mật cá nhân của người bệnh.

Thứ ba, về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, theo ông Hiếu, điều này chưa được dự thảo quan tâm đúng mức. Song điều này giúp hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ mà ông đã nêu.

“Pháp luật nhiều nước, người hành nghề khám chữa bệnh phải công khai những mối quan hệ lợi ích của mình với các tổ chức cá nhân có liên quan đến công tác khám chữa bệnh như công ty dược phẩm; đơn vị thực hiện các dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán; các cơ sở nghiên cứu y học… Qua đó được giám sát trong quá trình hành nghề

Như Hàn Quốc quy định một số trường hợp cụ thể cấm người hành nghề hưởng các lợi ích vật chất từ các hãng được, cơ sở phát triển thuốc… dưới các hình thức khác nhau”, ông Hiếu thông tin.

"Ban soạn thảo dự thảo luật cần tiếp tục đầu tư để hoàn thiện các nội dung của dự án luật, đặc biệt là các quyền và lợi ích của người bệnh, làm rõ hơn bóng dáng của người bệnh trong dự thảo luật", đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước