Đề xuất bổ sung quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình

Quang Hạnh, Trần Nam-Thứ ba, ngày 14/06/2022 19:59 GMT+7

VTV.vn - Chiều nay (14/6), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với những sửa đổi trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Tuy vậy, một số đại biểu cũng cho rằng, nên bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của các cơ quan thực hiện phòng chống bạo lực gia đình và bổ sung quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình.

"Dù chúng ta đã có luật nhưng thực tế khi vụ việc xảy ra, việc nhận diện kịp cho người bị bạo lực gia đình chưa kịp thời, hiệu quả. Người bị bạo lực gia đình còn lúng túng chưa biết mình cần cầu cứu đến ai, cơ quan nào. Cơ quan được người bị bạo lực gia đình báo tin cũng lúng túng hoặc đâu đó cũng còn xem nhẹ, là việc riêng của gia đình. Việc sửa đổi luật lần này cần chú trọng quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp cụ thể của các cơ quan tổ chức" - bà Chamaléa Thị Thủy - đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu.

"Về các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự hợp lý. Khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân thường phải rời khỏi nhà. Chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, kiến nghị bổ sung khoản 1, Điều 11 Dự thảo quyền của người bị bạo lực gia đình được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc" - bà Nguyễn Trần Phượng Trân - đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phát biểu.

Đồng tình với qui định có bốn nhóm hành vi bạo lực gia đình, một số đại biểu đề nghị cần có cách thức xử lý khác nhau với từng nhóm dựa trên mức độ nghiêm trọng của từng hành vi. Dẫn chứng số liệu của UNICEF có đến 56,6% vụ bạo hành tinh thần đối với trẻ em dưới dạng đe doạ, mắng chửi, chì chiết, có đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ để nhận diện được hành vi này.

"Thực tế có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết phân biệt đó chính là bạo lực tinh thần dưới dạng mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn gọi là bạo lực ngôn ngữ, loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con, đề nghị cần quy định cụ thể chỉ rõ để dễ nhận diện được những hành vi này" - bà Trần Thị Kim Nhung - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh phát biểu.

Đề xuất bổ sung quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Trần Thị Kim Nhung phát biểu. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

"Với trường hợp bạo hành trẻ em cũng cho hòa giải thì việc này tôi chưa đồng ý. Đây là đối tượng đặc biệt, cần phải có sự bảo vệ đặc biệt. Tôi đề nghị sửa lại quy định này theo hướng đối với trường hợp bạo hành trẻ em mà đến mức xử lý hình sự hoặc xử lý hành chính thì cần phải áp dụng biện pháp tương xứng" - bà Nguyễn Thị Thủy - đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn phát biểu.

Đề xuất bổ sung quyền của nạn nhân bị bạo lực gia đình - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy phát biểu. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ tiếp tục được bổ sung các góp ý của đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

“Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta” “Một tiếng kêu cứu của trẻ là trách nhiệm của tất cả chúng ta”

VTV.vn - Theo đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn), một trong những nguyên nhân cho tình trạng bạo hành trẻ em là do pháp luật còn thiếu hoàn thiện, chưa phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước