Đề nghị xây dựng, cập nhật Danh mục các giao dịch phải được công chứng

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 13/08/2024 21:10 GMT+7

VTV.vn - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất phương án không quy định cụ thể trong Luật các loại giao dịch phải công chứng mà sẽ xây dựng và cập nhật Danh mục các giao dịch.

Không quy định cụ thể trong Luật các loại giao dịch phải công chứng

Ngày 13/8, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về các loại giao dịch phải công chứng, có ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật.

Đề nghị xây dựng, cập nhật Danh mục các giao dịch phải được công chứng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Qua thảo luận, đa số ý kiến trong Thường trực UBPL thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị không quy định cụ thể trong Luật Công chứng các loại giao dịch phải công chứng (giữ quy định của dự thảo Luật như Chính phủ trình trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành). Điều đó phù hợp với tính chất của Luật Công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, không điều chỉnh loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với luật nội dung và gây ra sự thiếu ổn định của Luật khi các luật nội dung thay đổi phạm vi giao dịch phải công chứng; phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để tăng cường tính minh bạch trong áp dụng pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân có nhu cầu công chứng giao dịch, loại ý kiến này đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thống kê các giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực đang được quy định tại các luật, nghị định, thông tư để xây dựng Danh mục các giao dịch phải được công chứng, chứng thực và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; bổ sung vào Điều 71 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng Danh mục và thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục này để bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Một số ý kiến trong Thường trực UBPL đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật một điều quy định về các giao dịch phải công chứng trên cơ sở rà soát, tổng hợp các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

Về công chứng điện tử, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ của quy định về công chứng điện tử, Thường trực UBPL và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý điểm b khoản 1 Điều 62 của dự thảo Luật theo hướng làm rõ: Công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch dân sự có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của CCV.

Với quy định này, mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều phải có sự chứng kiến trực tiếp của CCV nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.

Do công chứng điện tử là vấn đề mới, để bảo đảm tính ổn định của Luật và tính khả thi, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện, quy trình, thủ tục cụ thể trong công chứng điện tử.

Về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20), nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh trên phạm vi cả nước hoặc quy định theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Quy định này có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của CCV khi thành lập Văn phòng công chứng.

Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê CCV làm việc theo hợp đồng lao động, qua đó đã khắc phục được những bất cập của Văn phòng công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân phụ thuộc vào 1 CCV duy nhất.

Một số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành với Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị tiếp tục kế thừa Luật Công chứng hiện hành quy định mô hình tổ chức của VPCC chỉ là công ty hợp danh như dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Cần phân tích rõ các phương án về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến cơ bản đánh giá cao Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình cơ bản đầy đủ các ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ, hội trường và ý kiến bằng văn bản; Hồ sơ tài liệu được chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ. 

Đối với các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về phạm vi các giao dịch phải công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất như phương án Chính phủ trình, không quy định cụ thể trong Luật này các loại giao dịch phải công chứng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thống kê các giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực đang được quy định tại các luật, nghị định, thông tư, xây dựng Danh mục và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp như quy định tại Điều 71 của dự thảo Luật và thường xuyên rà soát, cập nhật Danh mục này để bảo đảm đầy đủ, chính xác.

Đề nghị xây dựng, cập nhật Danh mục các giao dịch phải được công chứng - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung

Về công chứng bản dịch, chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch trong thực tiễn. Đồng thời, cần rà soát, lập luận đảm bảo dễ hiểu, tức là thống nhất văn phòng công chứng chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm.

Về nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên, tán thành việc chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật nhằm nâng cao trách nhiệm của Hội công chứng viên trong hoạt động tự quản, giám sát công chứng viên thực hiện các nguyên tắc hành nghề, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công chứng viên là hội viên.

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hành nghề công chứng, về cơ bản Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như nội dung tiếp thu, chỉnh lý, tuy nhiên, trong trách nhiệm quản lý nhà nước nêu bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ là cơ quan đầu mối, chủ trì xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về công chứng.

Về mô hình tổ chức của văn phòng công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích, thuyết minh rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án và tiến tới nếu chọn được 1 phương án như Chính phủ trình là hợp lý. Đồng thời, các ý kiến khác cũng cần tập hợp đầy đủ để ĐBQH tiến hành thảo luận, cho ý kiến.

Về cơ sở dữ liệu công chứng, thống nhất với đề xuất của Thường trực Uỷ ban Pháp luật, theo hướng giao trách nhiệm cho Bộ Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng. Cụ thể: Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ xây dựng thống nhất cơ sở dữ liệu; các thành phần cơ sở dữ liệu nghiên cứu thiết kế thêm. Tuy nhiên, không cần quy định quá chi tiết về thành phần cơ sở dữ liệu, vì trên thực tế thành phần cơ sở dữ liệu có thể thay đổi và cơ sở dữ liệu càng chi tiết càng tốt. Do dó, Luật chỉ nên quy định có tính khái quát và đầu mối là Bộ Tư pháp; đồng thời, Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ kinh phí để Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ được giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các vấn đề cụ thể khác được cho ý kiến tại phiên họp, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu để giải trình đầy đủ nội  dung liên quan đến chức danh trợ lý, thư ký nghiệp vụ; vấn đề ưu đãi thuế; vấn đề bảo hiểm, giá dịch vụ,… đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Uỷ ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận, cho ý kiến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước