Tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 21/12, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã báo cáo việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 dự kiến khai mạc ngày 5/1/2023.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, về cơ bản, các nội dung lớn của dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật thống nhất tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo
Đặc biệt là quy định liên quan đến Hội đồng Y khoa Quốc gia, theo đó, dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có các nhiệm vụ:
(i) Chủ trì phối hợp với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh và cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong việc xây dựng bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
(ii) Ban hành bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
(iii) Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề;
(iv) Tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, khiếu nại hoặc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
(v) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng biết, hiện có 1 nội dung liên quan đến Hội đồng Y khoa Quốc gia chưa được thể hiện tại dự thảo Luật, đó là xác định mô hình tổ chức, địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa quốc gia.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, do vậy, để thận trọng và thuận tiện cho Chính phủ trong quá trình điều hành, dự thảo Luật ghi nhận hình thức tổ chức này theo hướng quy định Hội đồng Y khoa quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập; giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức này; bên cạnh đó, khoản 2 Điều 23 quy định các nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng Y khoa quốc gia. Đề nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền khi quy định cụ thể về việc này theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.
Ủy ban Xã hội cũng sẽ đôn đốc Bộ Y tế, cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng Báo cáo của Chính phủ về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp về y tế liên quan đến phòng, chống COVID-19 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trước ngày 1/1/2023 mà không kịp làm thủ tục gia hạn theo quy định của Luật Dược sớm hoàn thiện Báo cáo, Tờ trình gửi Quốc hội.
"Ủy ban Xã hội sẽ cố gắng tối đa, với quyết tâm cao nhất để hoàn thiện các nội dung được giao một cách tốt nhất có thể cho kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội" – bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện các hồ sơ dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nội dung tiếp thu đến thời điểm này đã cơ bản đầy đủ và toàn diện, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã thể hiện được tinh thần, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện hơn.
Về báo cáo liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hồ sơ đã chuẩn bị đầy đủ, sẽ ban hành Tờ trình chung và ban hành Nghị quyết riêng của Quốc hội về nội dung này. Thủ tục hồ sơ đã tương đối sẵn sàng. Bộ trưởng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xem xét, thông qua trong Kỳ họp bất thường sắp tới.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị cần dành thời lượng lớn của Kỳ họp bất thường cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để các đại biểu Quốc hội có thể nêu đầy đủ ý kiến. Bên cạnh đó, trước Kỳ họp cần tổng hợp các ý kiến khác nhau của cử tri và nhân dân về dự án luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!