ĐBQH đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tàng số, bảo tàng tư nhân

Thu Trà-Thứ tư, ngày 26/06/2024 18:07 GMT+7

VTV.vn - Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng nay, Quốc hội thảo luận tại phiên họp thể về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án luật, các đại biểu đóng góp ý kiến đối với các quy định về hoạt động của bảo tàng tư nhân và bảo tàng số.

"Hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng theo nhu cầu và xu hướng phát triển thì vẫn chưa đáp ứng được, hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, nhất là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập. Đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng nhưng cũng tạo điều kiện cho cơ quan chức năng dễ dàng trong quản lý hoạt động", bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu.

"Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tàng số vì rất quan trọng trong thực hiện việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại công nghệ số, công nghiệp lần thứ 4, đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc hạ tầng kỹ thuật và trưng bày trong nhà, ngoài trời của bảo tàng công lập tại điều 65, chưa qui định rõ thẩm quyền hoặc là giữa UBND cấp tỉnh và cơ quan chức năng về văn hóa cấp tỉnh nhất là thẩm quyền, thẩm định các nội dung trưng bày của bảo tàng”, bà Nguyễn Thị Sửu, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu.

ĐBQH đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về bảo tàng số, bảo tàng tư nhân - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh: Chinhphu.vn

Về quy định chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu đề nghị cần thể chế hóa đầy đủ hơn các Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo Luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới...Trong đó, chú ý các chủ trương đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 33”, bà Trần Thị Hồng Thanh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình phát biểu.

Trước đó với đa số các đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước