Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, sáng 7/1. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, sáng nay (7/1), các đại biểu đã thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Dự thảo Nghị quyết Chính phủ trình Quốc hội đề nghị một gói chính sách tài khóa, tiền tệ trị giá gần 350 nghìn tỷ đổng để hỗ trợ Chương trình phụ hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó riêng chính sách tài khóa là 291 nghìn tỷ đồng. Để thực hiện Chính phủ đề nghị cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Chính phủ và đề xuất các giải pháp để chính sách được thực thi hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển.
"Chi trực tiếp từ NSNN để đầu tư phát triển. Tôi đồng tình chi cho công tác phòng chống dịch, cải tạo nâng cấp, trang thiết bị y tế, nhân lực cho ngành y tế. Đề nghị tập trung cho tuyến y tế cơ sở về nhân lực và trang thiết bị, chính sách tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, nhất là cơ sở điều trị COVID. Về an sinh xã hội, thống nhất hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn NHCS. Tuy nhiên cũng cần giám sát chặt chẽ đối tượng vay vốn vì thực tế đã có nhiều trường hợp vay không có khả năng trả vốn mà thường xuyên đề nghị tiếp tục gia hạn nhiều năm" - ông Phạm Văn Hòa - đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói.
"Đồng tình với quan điểm phải nâng cao năng lực y tế cơ sở nhưng tôi đề nghị trong gói 14 ngàn tỷ, cũng cần có trọng tâm, trọng điểm. Theo tôi đối với y tế cơ sở phải quan tâm đến con người. Thực tại 1 đội ngũ y bác sỹ ở tuyến cơ sở yếu về chuyên môn, người dân ít đến thăm khám. Tôi cũng rất đồng tình để nâng cao cơ sở vật chất nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong báo cáo của Chính phủ dự kiến sẽ đầu tư cho 2.154 xã nhưng theo tôi cũng cần phải làm rõ những xã nào, tiêu chí nào cần được đầu tư" - ông Mai Văn Hải - đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá nói.
Để phục hồi và phát triển, theo một số đại biểu, vấn đề quan trọng nhất chính là lao động và đề nghị chính sách tài khóa tiền tệ cần quan tâm đến hỗ trợ người lao động và hỗ trợ phục hồi thị trường lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy - đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: "Kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động ở khu vực phi chính thức. Dự thảo đang đề xuất 6,6 nghìn tỷ nhưng mới chỉ áp dụng cho nhóm lao động thuộc khu vực chính thức là phù hợp. Hai là, kiến nghị dành một khoản kinh phí thoả đáng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân. Ba là, kiến nghị dành 1 khoản kinh phí phù hợp hỗ trợ tiền xét nghiệm, tiền đi lại, hỗ trợ, tư vấn nghề nghiệp khi người lao động quay trở lại".
Về chính sách thuế, đại biểu cho rằng: Việc tiếp tục miễn giảm thuế, phí 64 ngàn tỷ năm 2022 là phù hợp, góp phần tạo điều kiện cho Doanh nghiệp tái hoạt động, kích thích nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên đề nghị cần có qui định cụ thể đối tượng áp dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!