Trong tuần tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự các Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Đây là dịp để Chủ tịch nước chia sẻ với gần 200 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc về những đóng góp của Việt Nam trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc suốt 2 năm qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đến chào từ biệt trước khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Ảnh: TTXVN
Ngày 19/4/2021, lần đầu tiên, Chủ tịch nước Việt Nam chủ trì một phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với sự tham dự của lãnh đạo 15 nước thành viên của cơ quan chịu trách nhiệm ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Chủ đề của phiên thảo luận này là về vai trò của các tổ chức khu vực như ASEAN, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Để phòng ngừa xung đột từ sớm cần có các giải pháp bao trùm và toàn diện nhằm giải quyết thật căn cơ các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như đói nghèo, bất bình đẳng và bạo lực. Đề cao hơn nữa vai trò của chủ nghĩa đa phương và tăng cường tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, bởi đây chính là điểm tựa, cơ sở vững chắc nhất để tạo dựng lòng tin, thúc đẩy đối thoại".
Nội dung của phiên thảo luận và Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an do Việt Nam đề xuất được các nước thông qua đã khẳng định tiếng nói, vị thế, cam kết và đóng góp của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và đối với Liên Hợp Quốc. Đây chỉ là một trong nhiều đóng góp tích cực của Việt Nam vào nỗ lực chung của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này trong thúc đẩy hòa bình, an ninh và quyền con người.
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đến nay, Việt Nam đã cử gần 250 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và tại Trụ sở Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân.
Ngày 27/9/2018, đúng như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cách đây 4 năm tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đó là từ quá khứ đấu tranh gian khổ, lâu dài giành độc lập, tự do, Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, quyền bình đẳng, "quyền dân tộc tự quyết", cũng như "quyền mưu cầu hạnh phúc" và giờ đây Việt Nam vẫn đang nỗ lực cùng các nước bảo vệ và phát huy những giá trị này.
Trong gần 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và "dấu ấn" Việt Nam. Những câu chuyện thành công này và cả những cam kết của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với thế giới tại các phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong tuần tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!