Năm 2022 có những dấu ấn nào thực sự nổi bật? Câu trả lời đầu tiên đó là đối ngoại.
Khi những ký ức đau buồn về COVID-19 dần trôi qua, thế giới đã mở cửa trở lại. Con người hay nói rộng ra là các quốc gia đã xích lại gần nhau hơn, nỗ lực cùng tìm ra động lực mới, vận hội mới để phục hồi và phát triển.
Tại Việt Nam, năm 2022 có thể coi là năm thành công trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt vào những tháng cuối năm. Những hoạt động mang tính mở đường Trong đó, hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc.
Trung Quốc, cường quốc thứ 2 trên thế giới, vừa hoàn thành công việc quan trọng bậc nhất của đất nước là tiến hành thành công Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo nước ngoài cao nhất đầu tiên được mời sang thăm chính thức ngay sau dịp này, đó là một biểu tượng rất ý nghĩa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đều là Tổng Bí thư của 2 Đảng Cộng sản và cùng được bầu lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm. Hai Tổng Bí thư đã biết nhau trong một thời gian dài với nhiều lần gặp gỡ trực tiếp, hội đàm trực tuyến mà mục đích không gì khác hơn là đề ra các định hướng hợp tác và phát triển cho 2 Đảng, 2 nước, nhân dân hai nước.
Với chuyến thăm này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhìn một cách tổng thể, "Tầm cao chiến lược, tầm nhìn dài hạn" là 8 chữ quan trọng cần rút ra và coi đây chính là kim chỉ nam cho quan hệ 2 nước giai đoạn tới.
Cũng trong 2022, hàng loạt chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đồng chí lãnh đạo khác đã diễn ra với mục tiêu rất cụ thể, đó là tăng cường quan hệ đa phương của Việt Nam với các cơ chế quốc tế và khu vực như APEC, ASEAN, AIPA, EU vừa thúc đẩy hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực và thế giới trên tất cả các kênh ngoại giao.
Bên cạnh những chuyến công du nước ngoài của lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, còn có nhiều chuyến thăm của lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các nước lớn đến Việt Nam. Đáng chú ý, như chuyến thăm của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng Thư ký LHQ António Guterres bức thư pháp với nội dung "Thế giới hòa bình, nhân dân hạnh phúc". Ảnh: TTXVN
Nhắc đến những đóng góp của Việt Nam cho Liên hợp quốc, sau 2 năm chúng ta hoàn thành vị trí là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, thì trong nhiệm kỳ 2023-2025 chúng ta đã lại được bầu vào vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2022. Điều này thật sự lại cho cộng đồng quốc tế tín nhiệm Việt Nam như thế nào.
Tham gia ứng cử muộn, không có nhiều cơ hội vận động do điều kiện dịch bệnh, thế nhưng Việt Nam lại vượt qua rất nhiều ứng viên, trở thành đại diện duy nhất của cộng đồng ASEAN và là nước châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ được bầu vào hội đồng này cho nhiệm kỳ tới.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc
Kết quả này cho thấy sự ghi nhận của quốc tế đối với những thành tựu về quyền con người của Việt Nam, cũng như họ kỳ vọng thế nào đối với việc Việt Nam đóng góp vào tiến trình phát triển những giá trị phổ quát về quyền con người trên thế giới. Đó là chưa kể đến những hoạt động hết sức tích cực của Việt Nam vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Tất cả những điều này đều dẫn đến một thông điệp: Vị thế của Việt Nam tiếp tục được khẳng định và củng cố một cách mạnh mẽ trong năm 2022 này.
Nhìn lại, nền tảng trước hết cho những dấu ấn đối ngoại năm 2022 chính là việc Việt Nam đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội và giao lưu quốc tế. Có được thành công ấy phải kể đến một chiến dịch lớn chưa từng có được thực hiện xuyên suốt từ 2021 đến thời điểm này – Chiến dịch tiêm Vaccine phòng COVID-19.
Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công. Với gần 266 triệu liều vaccine COVID-19 các loại đã được tiêm cho khoảng 88,5% người dân từ 5 tuổi trở lên. Gần 100% người từ 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi cơ bản và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt 93%.
Các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao và công nhận: Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau về trước trong tiêm phòng COVID-19.
Chiến dịch tiêm vaccine thành công, an toàn đã góp phần quan trọng ngăn chặn, kiểm soát dịch COVID-19, đưa Việt Nam trở lại trạng thái bình thường mới để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội đầu năm 2021 vắng lặng, gần như không có hoạt động gì.
Sôi động và thậm chí là chật kín người là hình ảnh của những ngày cuối năm này.
Hầu hết các đường bay quốc tế được nối lại. Số chuyến bay tăng gấp nhiều lần.
Tỷ lệ tiêm cao và hộ chiếu vaccine được nhiều nước công nhận đã tạo điều kiện cho người dân đi du lịch, lao động đồng thời đón khách nước ngoài đến Việt Nam.
Trước Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31, có nhiều quan ngại về thách thức kiểm soát dịch bệnh, nhưng với quyết tâm cao nhất, trên tinh thần "đoàn kết, thống nhất, ấn tượng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả", Việt Nam đã tổ chức thành công SEA Games 31 trên mọi phương diện.
446 Huy chương, trong đó có 205 Huy chương vàng, Việt Nam giành nhất toàn đoàn, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về chuyên môn và khẳng định vị thế của thể thao nước nhà.
Niềm vui, và cả những giọt nước mắt nhưng trên tất cả là tinh thần thể thao cao thượng, tinh thần đoàn kết của cộng đồng ASEAN
Vượt ra ngoài khuôn khổ của một sự kiện thể thao, SEA Games 31 đã tỏa sáng vị thế đất nước, đặc biệt là vẻ đẹp văn hóa, con người Việt Nam
Triệu triệu người hâm mộ Việt Nam luôn có mặt cổ vũ cuồng nhiệt ở tất cả các môn thi dù có vận động viên nước chủ nhà hay không. Rừng cờ đỏ sao vàng trên khắp các khán đài, quảng trường hay phố phường thực sự chạm đến trái tim bạn bè quốc tế.
17 ngày diễn ra SEA Games 31, Việt Nam là điểm đến của 5 nghìn vận động viên, 10 nghìn du khách, 600 phóng viên nước ngoài. Trải nghiệm các tour du lịch tại 12 địa phương có môn thi đấu sẽ theo họ đi khắp thế giới, lan tỏa hình ảnh một Việt Nam chủ động, an toàn, hấp dẫn, đa dạng bản sắc văn hóa, con người thân thiện, mến khách, đoàn kết vươn lên mạnh mẽ sau đại dịch.
Hình ảnh lễ bế mạc SEA Games 31 (Ảnh: TTXVN)
SEA Games 31- Kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu quốc gia. Một kỳ SEA Games đầy cảm xúc với vận động viên lẫn người dân bình thường.
Và trên tất cả là đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn với tinh thần "Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn".
Đã từng có thời gian muốn đi ra đường, Đi làm, đi chợ… đều phải xuất trình giấy đi đường, cả giấy chứng nhận tiêm vaccine. Nhiều khi đi từ nhà đến cơ quan phải xuất trình 2, 3 lần, qua 2, 3 chốt kiểm soát dịch. Đó là cách cực chẳng đã trong lúc dịch bệnh phức tạp.
Cho đến thời điểm này thì những tờ giấy đi đường như vậy đã được xếp lại một góc, nhiều người tạm coi như một kỷ niệm về một thời dịch bệnh đã qua. Cuộc sống bình thường mới quay trở lại nhanh tới mức đôi khi chúng ta cũng quên mất đã từng có một giai đoạn đời sống từng bị đảo lộn đến mức như vậy.
Nếu năm 2021 nền kinh tế được ví như con thuyền này chật vật vượt song, bão do dịch COVID-19, các nền kinh tế trên toàn cầu gần như đều đóng cửa thì sang năm nay song gió đã giảm đi. Và con thuyền kinh tế của chúng ta đã tăng tốc ngay lập tức, gặt hái nhiều thành quả.
Khó khăn vẫn nhiều nhưng lại diễn biến theo chiều hướng khác. Sau dịch bệnh, không còn mối lo về dịch nhưng một đợt sóng mới tiếp tục áp sát nền kinh tế với đầy biến động chưa thể lường hết. Nhưng tới thời điểm này, nền kinh tế đã vượt qua ngoạn mục.
Hãy nhìn vào con số này: Quy mô nền kinh tế của chúng ta hơn 400 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế của chúng ta cả năm nay: 8,02%. Thật tự hào trong 1 thập kỷ qua chúng ta mới đạt được con số tăng trưởng này, mà lại là trong lúc nền kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Và có lẽ chính những người dân, những nhịp đập của cuộc sống, sản xuất thường ngày cảm thấy rõ nét nhất điều đó.
Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng, đây là 3 động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Và cỗ xe tam mã này cũng đã tạo nên mức tăng trưởng GDP trên 8% của năm nay, mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam trong vòng 1 thập kỉ qua.
Hơn 700 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đây là mốc kỉ lục và phải gọi là thành tích. Vì xung quanh người tiêu dung các nước đều dè dặt trong chi tiêu lắm, vì lạm phát rồi giá cả tăng. Và cũng có nghĩa là hàng hóa của chúng ta chất lượng, được ưu tiên trong danh sách mua hàng của người tiêu dùng toàn cầu.
Sau thời gian 2 năm 2020-2021 tập trung thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế", những ngày cuối cùng của năm 2022 chúng ta thật tự hào khi thấy nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ.
Trong những nỗ lực ổn định vĩ mô của năm qua, phải kể đến một động thái rất đáng chú ý mà từ đó sẽ đem đến sự ổn định về lâu dài. Đó là nỗ lực thanh lọc thị trường chứng khoán, trái phiếu, cổ phiếu… Chưa bao giờ những vi phạm trên các thị trường này bị xử lý quyết liệt như năm vừa qua.
Chưa bao trong lịch sử có một cuộc thanh lọc thị trường mạnh mẽ và quyết liệt đến thế. Quyết tâm cắt bỏ những ung nhọt, chấp nhận đau để thị trường được trong sạch và vững mạnh. Có thể nói năm 2022 là một năm đầy khó lường biến hóa khôn lường, không lường trước được đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán.
Năm 2022 chúng ta chứng kiến những điều chưa từng có trong lịch sử.
VN-Index lần đầu vượt mốc 1.500 điểm, để rồi lại mất đi đến 40% chỉ sau vài tháng, hàng triệu tỷ đồng vốn hoá… bốc hơi.
Một năm mà các chính sách liên tục được ban hành để đưa ra một hành lang pháp lý, giúp nhà đầu tư hiểu đầy đủ và cặn kẽ về các quy định, để thị trường chứng khoán bước sang trang mới, minh bạch rõ ràng.
Có thể nói 2022 là một năm chưa từng có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhìn về năm 2023, một nhận định chung được chia sẻ là thách thức mà các nước vừa và nhỏ phải đối mặt trong môi trường toàn cầu bất ổn và cạnh tranh ngày càng lớn hơn. Cùng với đó, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu phát sinh từ cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng của các quốc gia vừa và nhỏ.
Trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị để đối mặt với các khó khăn này.
Đã mất thời gian rất lâu để thế giới đi theo con đường toàn cầu hóa nhưng chỉ 1- 2 năm, mọi thứ gần như bị ngưng trệ, thậm chí nhen nhóm xu hướng phi toàn cầu hóa khi các nước thu hẹp lại trước tác động dịch bệnh, biến động toàn cầu.
Cảnh những kho hàng dệt may, da giày, điện, điện tử thưa thớt, đầy hàng cũng chỉ lác đác thôi vì phía mua chẳng bán được hàng, chần chừ nhập đơn thôi. Cứ như cơ thể ta qua cơn bạo bệnh thì năng nhặt, chăm sóc cho bản thân đã rồi tính đến mở cửa, đi chơi, ăn uống tiệc tùng, hay đi mua sắm. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ chỉ đạt 1% trong năm tới do tác động ngày càng sâu của lạm phát, sức cầu suy giảm.
Một yếu tốt quan trọng nữa trong thương mại quốc tế đó là tỷ giá. Sự biến động của tỷ giá đồng USD cũng là một trở ngại đối với các giao dịch quốc tế. Đồng nội tệ của nhiều quốc gia trong đó có VND đã mất giá thời gian dài so với đồng USD, khiến giá hàng xuất khẩu của Việt Nam càng thêm khó cạnh tranh.
Thế khó còn ở một điểm: Đồng USD tăng cao so với VND như vậy doanh nghiệp xuất khẩu thu về nhiều USD hơn, có lợi nhuận tốt hơn. Thế nhưng không đơn giản như vậy đối với doanh nghiệp khi đơn hàng ngày càng ít đi. 2 tháng cuối của năm 2022 đã thấy rõ sự sụt giảm này.
Lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Những động thái mạnh mẽ, cứng rắn đó đến từ đâu? Chính là từ cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng không nghỉ và càng quyết liệt hơn trong năm 2022 này.
Trong những bài phát biểu về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu Đảng ta, một thông điệp xuyên suốt, thể hiện một tư tưởng rất cứng rắn trong công cuộc chống giặc nội xâm luôn được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đó là "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Tuy nhiên, năm nay thì có một thông điệp khác thậm chí còn mạnh mẽ hơn, nổi lên rất rõ, có 4 chữ thôi "Khó mấy cũng làm". Và để lý giải cho 4 chữ này thì chúng ta cùng nhìn vào các vụ án được đưa ra điều tra, khởi tố và xét xử trong năm nay: Vạn Thịnh Phát, AIC, FLC, Tân Hoàng Minh… Đây đều là những vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế hết sức khó, phức tạp, thuộc lĩnh vực nhạy cảm và đều nằm trong diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đáng chú ý là năm nay, các hành vi tham nhũng đã ngày một tinh vi hơn, không chỉ ở trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra ở khu vực trong nước mà cả ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các nhóm lợi ích.
Và nổi bật trong số các vụ án "khó mấy cũng làm", được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, với quy mô chưa từng có, đó là vụ án Vạn Thịnh Phát.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, đến nay 29 bị can đã bị khởi tố
Trong giới doanh nghiệp, không ai không biết đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gắn liền với nhiều dự án với quy mô cực lớn.
Tháng 10 năm 2022, cái tên đình đám Trương Mỹ Lan – Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã bị bắt.
Theo kết quả điều tra, chỉ trong khoảng 1 năm từ 2018 đến 2019, bà Lan cùng các đồng phạm đã có hành vi gian dối trong phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt gần 10 nghìn tỷ đồng của người dân.
Giới doanh nghiệp thì bất ngờ, bởi từ lâu, Vạn Thịnh Phát đã coi là một trong những doanh nghiệp quyền lực bậc nhất của trung tâm kinh tế phía Nam, sở hữu nhiều khu đất vàng, thậm chí là kim cương, ở những địa điểm đẹp nhất thành phố.
Nhưng đằng sau những lấp lánh của những con số hàng trăm tỷ, hàng ngàn tỷ của những dự án mà Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư thì là một bộ máy tinh vi được dàn dựng lên
Theo điều tra ban đầu, hơn 500 công ty bình phong được lập (trong đó đến 93% là các công ty ma) với mục đích chính là lập hồ sơ tín dụng vay tiền, rút tiền.
Đang trong giai đoạn điều tra, nhưng chỉ riêng ở Hà Nội, hơn 700 công ty có liên quan đến Tập đoàn này đã bị đóng băng tài sản để cơ quan điều tra rà soát, phân loại mức độ liên quan.
Cho đến nay, Cơ quan điều tra đã thu giữ kê biên, phong tỏa, hạn chế giao dịch khoảng 150 nghìn tỷ đồng, tức khoảng 6,5 tỷ USD – khoản tiền đủ để hoàn thành 700 km cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1.
Trong 150 nghìn tỷ đồng trên, có trên hàng nghìn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đã bị thu giữ, phong tỏa. Trong đó có hàng trăm bất động sản đã được yêu cầu phải rà soát, xác định và cung cấp thông tin về quyền sử dụng đất, nằm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong đó . Nhiều tòa nhà nằm ở các vị trí vô cùng đắc địa tại Quận 1 – Quận trung tâm của thành phố.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, đến nay 29 bị can đã bị khởi tố.
Số tài sản khổng lồ, cùng lượng tài liệu rất lớn. Những vi phạm thuộc về các lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm là tài chính, ngân hàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc điều tra, xử lý vẫn được quyết định phải tiến hành, trước khi những hoạt động trái pháp luật lây lan sâu hơn vào hệ thống, tạo nên những nguy cơ không thể tưởng tượng đối với toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.
Nếu vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án đặc biệt khó khăn, chưa từng có, phải làm vì sự minh bạch, phát triển lành mạnh của thị trường… thì các vụ án tại Cục lãnh sự, và Vụ án Việt Á lại là những vụ án có quy mô lớn, lan rộng sang cả 63 tỉnh thành, hay vượt ra khỏi cả lãnh thổ Việt Nam, liên quan đến nhiều bộ, ban ngành…Vụ án AIC được đem ra xét xử ngay trong những ngày cuối năm là một điển hình minh họa cho lợi ích nhóm, đã có sự móc ngoặc thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Đúng theo lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2022 chứng kiến những dấu ấn đặc biệt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những vụ án vô cùng phức tạp, chưa từng có, đã được đưa ra ánh sáng, gây chấn động dư luận.
Trong lĩnh vực chứng khoán là hành vi thao túng thị trường của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.
Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị cáo buộc gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân; và hiện đang tiếp tục trong tầm ngắm, liên quan đến việc chuyển đổi nhiều khu đất vàng của Nhà nước cho tư nhân.
Cùng với đó, không thể không nhắc đến Cơn bão mang tên Việt Á với tham nhũng, tiêu cực, quy mô lớn từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đều có vi phạm trong vụ Việt Á.
Hay vụ chuyến bay giải cứu – có nhiều dấu hiệu của hành vi trục lợi chính sách – khiến nhiều lãnh đạo, cán bộ ở các bộ, ngành, cơ quan; trong Nhà nước cũng như khối tư nhân, vướng vòng lao lý.
Trong những ngày cuối cùng của năm 2022, không khí phòng chống tham nhũng tiếp tục nóng lên với phiên xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty Cổ phần tiến bộ Quốc tế AIC. Một vụ án diễn ra cách đây tới 10 năm, với hành vi hối lộ gần 44 tỷ đồng để trúng thầu.
Và mới đây nhất, danh sách các đối tượng bị bắt giữ liên quan đến vụ chuyến bay giải cứu lại dài thêm với việc một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và một nguyên Thứ trưởng Bộ ngoại giao bị bắt giữ.
Sự phối hợp giữa các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng ngày càng thêm nhịp nhàng, nếu Tổ chức Đảng, Đảng viên có dấu hiệu vi phạm, thì công tác kiểm tra, kỷ luật Đảng phải làm trước, mở đường cho các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, khởi tố, làm sáng tỏ các vụ án
Tất cả cho thấy một quyết tâm mạnh mẽ trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực. Vụ án càng tinh vi, phức tạp thì lại càng phải quyết liệt, nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Nói ngắn gọn, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Khó mấy cũng làm đã lan tỏa.
Sau 10 năm, phòng chống tham nhũng, rất nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Đây sẽ không chỉ là bài học cho Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương mà cả cho cả Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Đến nay, 63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để khắc phục tình trạng "Trên nóng, dưới lạnh", "trên quyết liệt, dưới tê liệt"... mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh. Đáng chú ý là 40% các vụ tham nhũng chính là do các địa phương cùng đồng loạt tham gia.
Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Nhiều địa phương đã khởi tố cả Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Quảng Ninh...
Và nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của địa phương, của trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, khó mấy cũng làm sẽ không còn quá khó nữa.
Tháng 11 và 12 năm 2021, lằn ranh đỏ trong mối quan hệ giữa Nga và Phương Tây được đặt ra.
Ngày 24/2/2022, lằn ranh đỏ đã bị vượt qua. Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cuộc chiến như một ngòi nổ làm bùng lên một thời kỳ thù địch mới giữa Nga và Phương Tây. Đối đầu Đông Tây quyết liệt hơn cả thời chiến tranh lạnh…
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Fox News)
14 triệu người Ukraine rời bỏ nhà cửa do xung đột.
Các nước Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, gửi 40 tỷ USD vũ khí cho Ukraine để đối phó với Nga. Cùng với đó tăng quân ở sườn phía Đông, kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO.
Liên tiếp các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Phương Tây chặn Nga tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu. Còn Nga sử dụng khí đốt làm vũ khí để chống trả.
Cuộc chiến nóng bỏng đang chia rẽ sâu sắc thế giới trong cả năm qua. Và cuộc chiến này đang mở ra một thời kỳ bất thường mới với cả thế giới.
Để nói về năm 2022 với thế giới thì hai trạng thái bất thường và bất ổn có lẽ là đúng thực tế hơn cả. Ukraine bị tê liệt vì chiến tranh.
Nga hứng chịu 10 nghìn lệnh trừng phạt từ Phương Tây. Còn thế giới lâm vào một cuộc khủng hoảng đa chiều, đa tầng nấc.
Nếu ví đà phục hồi thế giới sau đại dịch như một đoàn tàu chở hàng đang leo dốc thì năm 2022 này, những toa hàng đã chất thêm gánh nặng bởi các cuộc khủng hoảng.
Đó là gánh nặng của khủng hoảng năng lượng khi giá dầu, khí đốt tăng cao, do tác động của lệnh cấm vận mà các nước Phương Tây nhằm vào Nga.
Rồi đến gánh nặng của khủng hoảng lương thực khi Nga và Ukraine vốn chiếm 25% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 16% xuất khẩu ngô. Nhưng cấm vận và chiến tranh khiến các mặt hàng này không xuất được ra thị trường.
Khi sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu xuất hiện trên toàn cầu, sẽ tạo ra tình trạng tăng giá, gây lạm phát, chất đầy lên gánh nặng của hoạt động kinh doanh và lãi suất liên tục tăng cao.
Vào đầu năm, khi cuộc xung đột nổ ra, không ai có thể ngờ cuộc chiến gây ra khủng hoảng lớn tới như vậy.
Nhất là Mỹ và các nước Châu Âu, khi họ hăm hở lao vào cuộc chiến kinh tế trừng phạt Nga, có lẽ ít ai lường trước, rằng, Châu Âu và Mỹ cũng bị ngấm đòn ngược.
Châu Âu, lần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu do nguồn cung bị cắt giảm.
Đột nhiên, người châu Âu ý thức rõ ràng những bất lợi khi phải lệ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Nếu như giá xăng dầu đã giảm về gần với mức giá đầu năm nay, thì giá khí đốt đến hộ gia đình đã tăng gấp đôi, còn giá điện bán lẻ có nước tăng gấp ba. Châu Âu đang vật lộn để giảm lệ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Một quá trình có thể kéo dài nhiều năm.
Dĩ nhiên khi các nước Châu Âu là nước giàu, khi người giàu cũng phải khóc, thì người nghèo càng khủng hoảng. Có những con số về khó khăn với những nước nghèo mà chúng ta buộc phải nhắc đến trong năm nay.
Giá lương thực thế giới đã có thời điểm lên tới mức cao nhất trong lịch sử 61 năm. Ước tính 71 triệu người trên toàn thế giới rơi vào cảnh đói nghèo trong 3 tháng đầu tiên xảy ra xung đột.
Giá những mặt hàng thiết yếu như năng lượng, thực phẩm tăng cao đẩy lạm phát lập kỷ lục trong hàng chục năm tại hầu hết các quốc gia. Lạm phát toàn cầu chạm kỷ lục 12,1% trong tháng 10.
Trước áp lực lạm phát, các ngân hàng trung ương bị cuốn vào vòng xoáy tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, khoảng 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã nâng lãi suất. Tăng lãi suất cao để chống lạm phát, nhưng cũng kéo theo rủi ro đối với tăng trưởng, việc làm và xa hơn là nguy cơ suy thoái.
OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, thấp hơn đáng kể so với 5,9% của năm 2021. Năm 2023, tình hình sẽ còn tệ hơn khi tăng trưởng toàn cầu dự báo chỉ đạt mức 2,2%.
Năng lượng, nguyên liệu đang trở thành một thứ vũ khí khi các bên đối đầu nhau. Nguy hiểm hơn là giữa lúc có các cuộc khủng hoảng chồng chéo như vậy, nhưng các nước Phương Tây và Phương Đông không hợp tác được với nhau.
Nhìn về phía phương Tây: Các liên minh liên tiếp được củng cố, NATO đang chuẩn bị kết nạp 2 thành viên mới là Thụy Điển và Phần Lan. Mỹ gia tăng ảnh hưởng thông qua các đồng minh cũ cùng các khối hợp tác mới như Nhóm bộ Tứ, AUKUS.
Ở bên còn lại, Nga tích cực triển khai các giải pháp thoát cấm vận:
Quan hệ Nga – Trung Quốc nồng ấm nhất từ trước đến nay: Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Nga; xuất khẩu năng lượng của Nga sang Trung Quốc tăng 64% về giá trị; kim ngạch thương mại song phương dự kiến đạt mức kỷ lục 180 tỷ USD. Hợp tác quân sự thắt chặt.
Nguồn dầu dồi dào của Nga, chuyển hướng sang châu Á với Trung Quốc, Ấn Độ là các đối tác quan trọng.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, từ khu vực Trung Á, Nam Á cho tới các đối tác tại Nam Thái Bình Dương, Vùng Vịnh.
Trung Quốc đẩy mạnh khi thuyết phục các đối tác lớn như Nga, Ấn Độ và các nước Vùng Vịnh chấp nhận thanh toán bằng đồng Nhân dân Tệ với mục tiêu thu hẹp địa vị thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Để xóa đi những bất an và chia rẽ thì nút thắt chính là làm hạ nhiệt cuộc chiến Nga- Ukraine.
Những ngày cuối năm, các nước Phương Tây phát tín hiệu thúc đẩy Nga và Ukraine ngồi lại vào bàn đàm phán.
Gây chú ý nhất là việc Tổng thống Ukraine có chuyến thăm bí mật tới Mỹ và gặp gỡ Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Dù các tín hiệu ngầm trong hậu trường là điểm sáng hiếm hoi, nhưng đến nay vẫn chưa có triển vọng đột phá nào nào để kết thúc cuộc xung đột căng thẳng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2.
Tổng thống Nga Putin nói rằng việc Moscow mất hoàn toàn niềm tin vào phương Tây sẽ khiến việc giải quyết tình hình ở Ukraine khó đạt hơn và cảnh báo nguy cơ cuộc xung đột sẽ kéo dài.
Mấu chốt là những vấn đề lãnh thổ. 4 khu vực mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào tháng 9 được Moscow coi là một phần của nước Nga "mãi mãi" từ nay về sau. Còn Chính phủ Ukraine không chấp nhận điều đó và khẳng định không đổi bất cứ vùng đất nào để lấy hòa bình.
Nhưng dù có nối lại được đàm phán thì cũng không có gì đảm bảo chiến sự Nga, Ukraine sẽ sớm chấm dứt trong những tháng đầu năm 2023. Và đối đầu Đông -Tây vẫn còn tiếp diễn gây ra hệ lụy tới các mối quan hệ quốc tế. Đó là thách thức lớn nhất trong năm 2023.
Bối cảnh này, cũng như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra mang đến những bài học lớn cho các nước vừa và nhỏ. Ví dụ như bài học về ứng xử chiến lược khi một quốc gia bị cuốn vào cạnh tranh sống còn giữa các trung tâm quyền lực của thế giới.
Cạnh tranh giữa các nước lớn càng khiến những bất ổn của thế giới tăng cao.
Những bất ổn đó là lạm phát, đứt gãy nguồn cung và chạy đua vũ trang, hợp tác đa phương bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, các nước vừa và nhỏ đứng trước nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, cần có hòa bình, hợp tác để phát triển. Vì vậy, các nước vừa và nhỏ như ASEAN đã chọn giữ vững vai trò trung tâm, cân bằng các mối quan hệ và cố gắng tránh bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn.
Nền tảng đó góp phần đưa các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam là điểm sáng tăng trưởng của thế giới năm 2022.
Tình trạng đối đầu này, cùng khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu phát sinh từ cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng của các quốc gia vừa và nhỏ. Trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị để đối mặt với các khó khăn này.
Black Friday, Giáng sinh, Năm mới… thời điểm vàng, thời điểm lớn nhất trong năm về tiêu thụ hàng hoá. Nhưng giá cả tăng cao, người tiêu dùng dè dặt. Năm nay lượng hàng tồn kho ở các thị trường lớn luôn ở mức cao buộc họ phải cắt bớt nhập khẩu. Các công xưởng sản xuất toàn cầu, như Việt Nam, khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Biến động bên ngoài càng tăng, đòi hỏi nội lực của nền kinh tế càng phải mạnh hơn . Đầu tư công, với vai trò quan trọng để khơi thông nguồn lực về phát triển hạ tầng, xã hội, hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng, việc giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm đang cản trở sự phát triển và nguồn lực cho năm 2023.
Những tín hiệu về suy giảm kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu dừng lại. Sức cầu tiếp tục giảm sút. Điều kiện huy động tài chính toàn cầu bị thắt chặt.Dòng chảy thương mại chững lại.
Kinh tế Việt Nam vượt qua 1 năm 2022 đầy khó khăn khó lường. Nhưng năm 2023 đang đến với nhiều nỗi lo phía trước. Và bản lĩnh một lần nữa cần tiếp tục được khẳng định.
Năm 2022 đi qua với nhiều khó khăn và dự báo trong năm tới thách thức còn nhiều ở phía trước. Nhưng khó khăn chỉ là phép thử cho sự thành công. Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định rõ tinh thần càng khó khăn, dân tộc Việt Nam càng đoàn kết, chung tay, đồng lòng với một quan điểm hài hòa lợi ích, khó khăn thì chia sẻ. Thực tế đã chứng minh, trong thời điểm khó khăn nhất do dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành càng quan tâm đến những đối tượng yếu thế.
4 công điện của Thủ tướng trong những ngày giữa tháng 12 vừa qua, bên cạnh nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thì trọng tâm là chỉ đạo về việc chăm lo Tết cho đời sống của Người lao động. Vấn đề an sinh xã hội luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi quyết sách, bởi "Lấy dân làm gốc" là kim chỉ nam xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Hiểu dân, vì dân và tập hợp, đoàn kết được toàn dân sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn. Danh nhân Nguyễn Trãi đã đúc kết: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!