Giờ đây, việc giữ vững bản chất của Nhà nước ta - một Nhà
nước của dân, do dân, vì dân đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo hiện nay phải tiếp
tục hành động, hành động vì dân.
"Mọi người sinh ra đều bình đẳng…", Bản Tuyên ngôn
độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc trước Quốc dân đồng bào cách đây 71 năm có trích dẫn hai câu nói bất hủ từ bản Tuyên
ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp. Hai bản Tuyên ngôn
đề cao giá trị phổ quát về Dân quyền và Nhân quyền. Dân quyền ở đây là chính
thể Cộng hòa, tức là chế độ chính trị không còn nhà vua, thay vào đó là một Nhà
nước do nhân dân bầu ra. Còn Nhân quyền đề cao là quyền con người.
GS.TSKH. Vũ Minh Giang - Đại học Quốc gia Hà Nội, phát biểu: Chính
quyền đó thuộc về dân, tức là theo thể chế dân chủ, cộng hòa, tức là mọi quyền
lực thuộc về dân và cái quyền lực ấy được pháp định bởi Hiến pháp, bởi pháp
luật. Đó là thứ quyền lực nhân dân gửi gắm vào. Tất cả mọi cơ quan quyền lực
Nhà nước đều phải theo đó. Tiêu ngữ thể hiện mục đích của chính quyền đó là
hạnh phúc cho người dân và quyền lợi cho người dân chính quyền phải dốc sức để
mà thực hiện. Đấy là chính quyền phải phục vụ nhân dân.
Chính vì nắm bắt được mạch đập của dân mà Chính phủ lâm
thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong một sứ mệnh tưởng
chừng vô cùng khó khăn khi mà ở thời điểm đó nạn đói hoành hành; ngân sách quốc
gia gần như bằng không; trong khi quân đội nước ngoài chưa bao giờ xuất hiện ở
Việt Nam lại đông đến như thế. Trong hoàn cảnh ấy, ý chí của nhân dân đã thúc
giục Chính phủ hành động.
Ông Dương Trung Quốc - Nhà sử học: Ở cuộc họp đầu tiên của
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa diễn ra vào ngày 3/9/1945, có thể nói rằng
những việc cấp bách của Nhà nước chính là những công việc gắn liền với lợi ích
rất xác thực của người dân. Đấy là một tư duy rất biện chứng và rất thực tế,
thể hiện rất rõ tinh thần luôn luôn lấy người dân là đối tượng, là trọng tâm,
là nguồn lực của mình.
PGS.TS. Hồ Khang - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt
Nam: Thời nào cũng thế, nếu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Nếu
trong quá trình chủ động hoạch định, hoàn chỉnh đường lối xây dựng và phát triển
đất nước mà xuất phát từ lợi ích sống còn của dân tộc, xuất phát từ khát vọng
cháy bỏng của mỗi một người dân yêu nước thì đó là một nhân tố bền vững trong
trường kỳ lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Việt Nam đương đại nói riêng.
Ý chí, sức mạnh của lòng dân kết hợp với một đường lối lãnh
đạo đúng đắn chính là thành lũy để giữ nước. Lịch sử Việt Nam từng có lúc phải
trả giá đắt bởi có những triều đại đã đặt ngai vàng lên trên dân tộc. Năm 2013,
lần đầu tiên hai chữ Nhân Dân được viết hoa trong Hiến pháp. Và chưa bao giờ
thông điệp về một chính phủ và chính quyền phục vụ nhân dân, một Chính phủ liêm
chính, công khai, minh bạch và chống lợi ích nhóm lại được đề cao như gần đây.
Đó là một chỉ dấu cho thấy những tư tưởng cốt lõi của Bản Tuyên ngôn độc lập
cách đây 71 năm đang được các nhà lãnh đạo đất nước hiện nay tiếp tục đề cao.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!