Đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý: Sách giáo khoa càng xã hội hóa, giá càng tăng

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 01/11/2023 12:16 GMT+7

Ảnh minh họa: GDTĐ

VTV.vn - Đại biểu Trần Văn Sáu nhấn mạnh vai trò chủ đạo Nhà nước trong giáo dục và nêu tình trạng thả nổi sách giáo khoa khiến giá tăng và không kiểm soát được.

Không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa

Sau nhiều phát biểu tranh luận về việc giao Bộ Giáo dục và đào tạo biên soạn sách giáo khoa vào chiều 31/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 1/11, một số đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp thêm ý kiến liên quan vấn đề này.

Theo đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp), hiện nay, không có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88 của Quốc hội về việc giao Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý: Sách giáo khoa càng xã hội hóa, giá càng tăng - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Sáu (đoàn Đồng Tháp)

Đại biểu cho biết, Nghị quyết 88 được ban hành năm năm 2014, đến năm 2020 mới có Nghị quyết 122 và đặt câu hỏi: "Tại sao trong 6 năm đó, Bộ Giáo dục và đào tạo không tổ chức thực hiện nghị quyết này mà chúng ta đẩy hết cho xã hội hóa? Điều này dẫn tới việc thả nổi sách giáo khoa, giá tăng và không kiểm soát được".

Đại biểu cho rằng, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đại biểu nhấn mạnh đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cũng nhận định, thay vì giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thì việc tập trung chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, sách giáo khoa dạy tiếng dân tộc thiểu số mới là việc cấp thiết hơn.

Đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý: Sách giáo khoa càng xã hội hóa, giá càng tăng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)

Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề đạt phương án sau khi hoàn tất đổi mới SGK

Phát biểu giải trình liên quan vấn đề sách giáo khoa được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong báo cáo của Chính phủ có nhận định là chưa đáp ứng được yêu cầu. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức đây là một đòi hỏi cao, trách nhiệm và cần phải làm tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý: Sách giáo khoa càng xã hội hóa, giá càng tăng - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu

Bộ trưởng cũng nêu lại đánh giá trong Nghị quyết 686 của Đoàn giám sát của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đây. Theo đó, hệ thống sách giáo khoa cơ bản được biên soạn, phê duyệt, phát hành cơ bản đúng tiến độ, đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Nội dung sách giáo khoa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục… Từ 2020 đến nay, có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản với tổng số lượng 194 triệu bản sách.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là sự ghi nhận đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.

Về băn khoăn liên quan tài chính chi cho đổi mới giáo dục, trưởng ngành giáo dục và đào tạo lý giải, con số 213 nghìn tỷ đồng được đưa ra trong báo cáo của Đoàn giám sát là bao gồm cả chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển. Con số chi cho đổi mới giáo dục, gồm biên soạn chương trình giáo dục, thẩm định sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên toàn quốc là 395,2 tỷ đồng.

Về Nghị quyết giao Bộ biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng cho rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Về vấn đề được giao, Bộ sẽ có nghiên cứu, đề xuất, cố gắng trong 1-2 năm tới khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất sẽ có đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội.

Về vấn đề thừa, thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ đưa ra chỉ tiêu tuyển giáo viên cho các tỉnh, tuy nhiên, theo thống kê, các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng, vì nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, ở một số địa phương, không có nguồn tuyển để tuyển giáo viên theo đúng chỉ tiêu.

Bộ trưởng cho rằng, cần sớm có những điều chỉnh về lương, chế độ, chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi, thực hiện các giải pháp khác một cách đồng bộ để nâng cao đời sống nhà giáo, góp phần thu hút nguồn nhân lực vào ngành giáo dục và đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước