Đại biểu Quốc hội lo ngại lương chưa tăng thì giá cả “nhanh chân chạy trước”

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 27/10/2022 11:18 GMT+7

Đại biểu Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang)

VTV.vn - Vấn đề tiền lương và đời sống khó khăn của người lao động đã được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 27/10.

Đề xuất Chính phủ tăng lương càng sớm càng tốt

Đại biểu Thái Thu Xương (tỉnh Hậu Giang) cho biết, tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị, khu công nghiệp lớn.

Theo đó, lực lượng công nhân lao động nhập cư, làm việc trong các khu cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng đủ, nhất là thiếu điểm giữ trẻ.

Đại biểu Thái Thu Xương chỉ ra thực trang thời gian gần đây, khi lương tối thiểu vùng tăng, giá cả mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… cũng tăng liên tục.

Trong khi đó, tiền lương thực tế của cán bộ công chức, viên chức từ 2019 đến nay chưa tăng. Lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống vật chất của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt nhất là ảnh hưởng trực tiếp ờ đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo lo âu cho nhóm đối tượng này.

Về vấn đề tăng lương cơ sở, đại biểu tỉnh Hậu Giang kiến nghị tăng càng sớm càng tốt: "Cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức, đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1/1/2023. Theo phương án của Chính phủ là 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa 2 lần tăng lương thì đã 4 năm".

Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị cần kiềm chế lạm phát, kìm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, "lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng".

Ngoài ra, cần sửa đổi quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập. Nâng mức lương phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Cải cách tiền lương là vấn đề vô cùng cấp thiết

Cũng tham gia ý kiến về vấn đề tăng lương cơ sở, đại biểu Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) nhấn mạnh: "Lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ bởi ước tính rằng, để tăng thêm 20,8% mức lương cơ sở, khoản chi mà Chính phủ cân đối đã phải dành tới 44.000 tỷ đồng. Vừa tạm yên đại dịch, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở là thấu tình đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách. Đây là điều rất đáng trân trọng".

Đại biểu Quốc hội lo ngại lương chưa tăng thì giá cả “nhanh chân chạy trước” - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu)

Tuy nhiên, để "nhanh chóng bù đắp trượt giá của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay", đại biểu Nguyễn Huy Thái cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, tức là từ 1/1/2023.

"Chắc chắn rằng đây sẽ là món quà vô cùng ý nghĩa dành cho những người làm công ăn lương đã gần 3 năm qua gồng mình chống chọi và nguồn sống bị bào mòn bởi đại dịch toàn cầu. Cử tri đang rất trông mong đề xuất này của cử tri được Quốc hội và Chính phủ chấp nhận" – ĐBQH tỉnh Bạc Liêu chia sẻ.

Đồng thời, đại biểu cũng quan tâm tới việc thực hiện cải cách tiền lương.

Theo đại biểu Thái, với mức tăng lương cơ sở - trong điều kiện không thể cao hơn nữa ở thời điểm hiện tại - cũng vẫn chưa thể đáp ứng đời sống của người làm công ăn lương. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp, sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà mình đóng góp.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất Quốc hội chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2023. Nếu năm 2023, đất nước phát triển kinh tế xã hội tốt và tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như 3 năm vừa qua thì có triển khai chính sách cải cách tiền lương.

Đại biểu nhấn mạnh, cử tri đang rất quan tâm đến lộ trình thực hiện cải cách tiền lương và rất trông mong đề án này sớm được thực hiện: "Cải cách tiền lương đang là vấn đề vô cùng cấp thiết. Mức lương cơ sở tăng là rất quý nhưng thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch giữa lương khu vực công và lương khu vực tư, giữa lương khu vực nhà nước và lương ngoài thị trường".

Trong hơn 2 năm qua, số lượng thầy giáo và thầy thuốc nghỉ việc và chuyển việc ra khỏi khu vực công chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng số những người nghỉ và chuyển việc. Do đó, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư.

Cùng với việc tăng lương, đại biểu Thái lo ngại tình trạng lương chưa tăng, chỉ mới "rục rịch tăng" thì giá cả đã "nhanh chân chạy trước" và kiến nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.

Đại biểu Quốc hội lo ngại lương chưa tăng thì giá cả “nhanh chân chạy trước” - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam)

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam) cũng nêu ý kiến rằng, cùng với việc thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của BCH Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.

Đại biểu đồng thời kiến nghị cần sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội, hiện nay đang là 360.000 đồng/tháng là rất thấp và khó khăn cho các đối tượng được trợ giúp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước