Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều nay (16/1), Quốc hội thảo luận "dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia" và "Tờ trình về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025".
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình cao với việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; nhấn mạnh việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ tháo gỡ được những vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ các chương trình này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: TTXVN)
Tuy vậy các đại biểu cũng cho rằng, một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết cần rõ ràng hơn, ví dụ như quy định phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
"Dự thảo quy định theo hướng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện. Nội dung này, trường hợp cần thiết là trường hợp nào, khi nào cần thiết, khi nào là không cần thiết?", bà Lò Thị Luyến, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, nêu ý kiến.
"Về nguyên tắc thực hiện tại điểm c khoản 2 Điều 4 có quy định một số nội dung như: "hoặc tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt tổng dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao; ở đây không rõ là "cấp có thẩm quyền" là cấp nào: trung ương hay địa phương và quy định nội dung "không vượt tổng mức đầu tư đã được giao", như vậy dự án vướng không thực hiện được thì có được điều chỉnh dự án khác như thế nào", ông Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Từ thực tế triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, một số đại biểu đề nghị cần phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện.
"Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đề nghị Quốc hội xem xét, lựa chọn phương án 2. Phương án này sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các địa phương, đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện, tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và đảm bảo thống nhất về mục tiêu chung của tỉnh", ông Nguyễn Quốc Luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, đề xuất.
"Tại điểm b khoản 4 quy định cơ quan tài chính cùng cấp hoặc UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác định giá thị trường, tôi đề nghị làm rõ về phương pháp xác định giá thị trường để có sự thống nhất giữa các địa phương", ông Trần Văn Tiến, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị.
Trong chiều nay, Quốc hội cũng thảo luận về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!