Từ ngày 8/10/1054, tiểu đoàn Bình Ca của Trung đoàn Thủ đô dưới danh nghĩa đơn vị cảnh vệ đã tiếp quản 35 vị trí trọng yếu từ quân Pháp. Mỗi vị trí tiếp quản là một trận địa không tiếng súng. Bởi trọng trách đặt lên vai người lính lúc này thật nặng nề đó là phải giữ cho Thủ đô được nguyên vẹn và chống lại âm mưu dồn dân di cư vào Nam.
Tấm ảnh những cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn Bình Ca, những người có mặt sớm nhất ở Hà Nội, trước ngày giải phóng.
16 giờ ngày 9/10/1954, người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên. Hà Nội được giải phóng. Hà Nội được tự do. Người Pháp rút đi. Bộ đội về tiếp quản thành phố. Niềm vui cách đây 70 năm là thành quả đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân Hà Nội cũng như quân và dân cả nước.
Sáng ngày 10/10/1954, từ ngoại thành, một cuộc hành quân lịch sử vào trung tâm Hà Nội theo hai hướng chính qua cửa ô Kim Mã và ô Cầu Dền.
Lịch sử hơn 1.000 năm của đất kinh kỳ, tính đến thời điểm năm 1954, mảnh đất này chứng kiến 7 lần chiến trận đã lan đến Thăng Long, Hà Nội. Nhưng Hà Nội chưa bao giờ bị khuất phục.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng chiến thắng vang dội của trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và Thủ đô Hà Nội được giải phóng bằng cuộc tiếp quản hòa bình ngày 10/10/1954.
Từ đây, Hà Nội trở lại vị trí là trái tim của cả nước, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, để tiếp tục tôn vinh những giá trị trường tồn của Thăng Long- Hà Nội trong thời đại Hồ Chí Minh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!