COP26 - Việt Nam chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 31/10/2021 06:24 GMT+7

VTV.vn - Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng phát thải bằng nội lực và 27% nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài.

Hôm nay (31/10), hội nghị COP 26 sẽ khai mạc tại Glasgow, Vương quốc Anh. Năm nay là thời điểm các quốc gia tham gia công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc gửi bản đóng góp do quốc gia tự quyết định cuối cùng lên Ban thư ký.

Vì vậy, kỳ vọng đặt ra tại hội nghị lần này là các quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của mỗi nước để đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái đất không tăng thêm quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

4 mục tiêu được theo đuổi tại COP26 là Bảo vệ mục tiêu phát thải bằng 0 toàn cầu; Thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; Các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm; Cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết làm cho Thỏa thuận Paris để giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự.

Với Việt Nam, trong bản cam kết của mình, hay còn gọi là đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) mới nhất, Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng phát thải bằng nội lực và 27% nếu có sự hỗ trợ của nước ngoài. Việt Nam đã rất chủ động trong việc thực hiện nghĩa vụ ứng phó với biến đổi khí hậu của mình.

"Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2021, Việt Nam có tiềm năng chuyển đổi xanh rất lớn. Đến năm 2050 có thể tiết kiệm lượng khí thải tương đương 45 nhà máy điện than", ông Kim Hojlund Christensen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam cho biết.

Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward: "Việt Nam có thể đi xa hơn và đạt được nhiều hơn mục tiêu đã đặt ra. Ở Việt Nam, 70% khí phát thải đến từ công nghiệp năng lượng, trong đó hầu hết là từ việc sản xuất điện. Vì vậy, nếu Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ than sang điện gió, điện mặt trời thì hoàn toàn có thể nâng mục tiêu của mình lên đáng kể, đóng góp nhiều hơn cho những nỗ lực chung của toàn cầu".

PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: "COP26 rất quan trọng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam bởi vì Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, các hoạt động liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những hoạt động mà đang được ưu tiên của Việt Nam hiện nay".

"Việt Nam là một trong những nước phát thải lớn. Nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ có đóng góp rất lớn cho nỗ lực chung của toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính", ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước