Cơ cấu nhân sự Đại hội XIII: Trẻ tuổi và cao tuổi

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 21/09/2020 06:12 GMT+7

VTV.vn - Yêu cầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về cơ cấu nhân sự 3 độ tuổi tại Đại hội XIII là nhằm tạo ra một sự kế thừa trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Sau khi Bộ Chính trị có Chỉ thị số 35 về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có 3 bài viết rất quan trọng xung quanh vấn đề Đại hội.

3 bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đều xuyên suốt một vấn đề thể hiện rất rõ tư tưởng chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Đó là làm thế nào phải chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội tất cả các cấp, đặc biệt là phải chuẩn bị tốt công tác nhân sự, nhất là nhân sự Đại hội XIII, tức là nói đến nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên).

Để hiểu rõ hơn về việc cơ cấu 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

- Thưa ông, yêu cầu về cơ cấu nhân sự 3 độ tuổi (dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên) tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xuất phát từ thực tiễn nào?

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: Trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, phấn đấu làm thế nào để tăng tỷ lệ nữ, người dân tộc và đặc biệt tăng cán bộ trẻ hơn khóa XII.

Vì sao lại như vậy? Thực tiễn đã cho chúng ta thấy rằng đây chính là cơ cấu 3 độ tuổi: dưới 50; 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên để tạo ra một sự kế thừa liên tục, vững vàng trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng.

Cơ cấu nhân sự Đại hội XIII: Trẻ tuổi và cao tuổi - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Thế hệ trẻ có thể năng động hơn, sức khỏe hơn, sức trẻ hơn, hăng hái hơn nhưng kinh nghiệm thì lại còn ít. Thế cho nên phải làm thế nào để tạo ra tập thể đoàn kết, thống nhất, kế thừa nhau, bổ sung cho nhau, phát huy những mặt mạnh, hạn chế những mặt còn khiếm khuyết.

Chính vì thế, Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất về cơ cấu là phải có một số người dưới 45 tuổi, chính là các ủy viên dự khuyết để đào tạo, bồi dưỡng cho lâu dài.

Nếu là Ủy viên Trung ương chính thức mới tham gia lần đầu thì phải đủ tuổi để công tác 2 nhiệm kỳ, tức là ít nhất 50 tuổi, hoặc đủ để công tác trọn 1 nhiệm kỳ, tức là không quá 55 tuổi.

Những đồng chí Ủy viên Trung ương tái cử thì không quá 60 tuổi.

Nếu các đồng chí đã là Ủy viên Trung ương và lần đầu tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì không quá 60 tuổi.

Nếu các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tái cử thì không quá 65 tuổi, trừ trường hợp đặc biệt.

Điều này đảm bảo để các thế hệ chuyển tiếp vững vàng. Chúng ta biết rằng đại hội lần này cũng là một sự chuyển giao đội ngũ cán bộ.

Đó là sự chuyển giao giữa các thế hệ cán bộ đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong chiến tranh, đào tạo bài bản trong mái trường xã hội chủ nghĩa; bây giờ chuyển sang một thế hệ cán bộ mới sinh ra lớn lên trong hòa bình và lại được đào tạo từ rất nhiều nguồn, rất nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

- Như vậy, có thể nói việc cơ cấu 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là rất đúng thời điểm. Vậy những khóa trước đây, tỷ lệ trẻ nhiều hay ít và tác động ra sao đến hoạt động của Trung ương thưa ông?

- Những khóa trước chúng ta đã tập trung chú ý về tỷ lệ cán bộ trẻ nhưng để đào tạo được một thế hệ cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn, đủ điều kiện không phải ngày một ngày hai.

Tuổi trẻ phải được kinh qua, được rèn luyện thử thách trong thực tiễn. Để có được một cán bộ trẻ như vậy cũng không hề đơn giản. Chúng ta phải chuẩn bị từ 3 năm, 5 năm, thậm chí là 7 năm về trước.

Chính vì thế, khóa vừa rồi, chúng ta đã tập trung nhiều hơn về vấn đề này, luân chuyển cán bộ chắc chắn hơn, kỹ lưỡng hơn, đưa cán bộ đi rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Điều kiện đó giúp cho cán bộ trưởng thành nhanh hơn, phát triển một cách toàn diện hơn.

Khi lên đến vị trí của Trung ương, tức là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ cấp cao thì việc chuẩn bị không phải một sớm, một chiều, một ngày được.

Từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, Trung ương đã thấy rằng, vấn đề quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cực kỳ quan trọng. Trong nhiệm kỳ này, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng càng thấy rõ hơn về vấn đề này. Cho nên phải tập trung đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, không chỉ đào tạo trong trường lớp mà phải đào tạo, rèn luyện trong thực tiễn.

Thực tiễn đã cho chúng ta những bài học kinh nghiệm rất sâu sắc. Nếu cán bộ trẻ chưa kinh qua thử thách, chưa được rèn luyện trong những công việc khó khăn, gian khổ thì bản lĩnh rất dễ bị va vấp và chúng ta đã bị mất mát rất nhiều một số cán bộ trẻ như vậy.

"Nếu cán bộ trẻ chưa kinh qua thử thách, rèn luyện trong khó khăn thì bản lĩnh rất dễ bị va vấp"

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

- Trong dư luận, có nhiều ý kiến về hiện tượng "chuối chín cả nải" của các nhiệm kỳ gần đây. Ông có đánh giá như thế nào về ý kiến này?

- Trong thực tiễn đặt ra trường hợp là trong thường trực cấp tỉnh gồm Bí thư, Phó Bí thư thường trực, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND và Chủ tịch HĐND thuộc diện Trung ương quản lý. Nhiều khi 3 đồng chí lại bằng tuổi nhau nên sẽ đến lúc 3 đồng chí cùng nghỉ công tác.

Ví dụ thứ 2 là trong Ban Thường vụ mỗi tỉnh thường có 13 đồng chí, đồng chí Bí thư, Phó Bí thư và các đồng chí khác chênh lệch nhau 1-2 tuổi nên đến lúc hết nhiệm kỳ thì hầu như nghỉ hết.

Tình trạng gọi là "chuối chín cả nải" như vậy rất nguy hiểm. Đến khi thay đổi sẽ tạo ra sự hụt hẫng, không có sự chuyển tiếp, kế thừa liên tục và vững vàng.

Chính vì thế cho nên chúng ta phải quy hoạch 3 độ tuổi như vậy. Các độ tuổi thông thường chênh lệch nhau 5 năm, để các nhiệm kỳ kế tiếp nhau.

Trong Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng quy định đổi mới trong cấp ủy không quá 1/3. Nếu khóa nào cũng đổi mới sẽ liên tục có cán bộ trẻ kế thừa trong cấp ủy và cũng có cán bộ trẻ trong Ban Thường vụ.

Tất nhiên để thực hiện việc đó rất khó nhưng chúng ta phải cố gắng, mà cố gắng bằng cách là phải có giải pháp. Trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những biện pháp rất cụ thể, rất quyết liệt và có chuyển biến tốt hơn.

- Những biện pháp nào để đảm bảo sau khi bầu có được cơ cấu nhân sự về tuổi tác như mong muốn bởi lúc bầu là bằng phiếu kín, không ai tác động được?

- Việc cơ cấu nhân sự là cả một quá trình. Kết quả bầu cử chỉ là khâu cuối cùng. Quá trình chuẩn bị phải ngay từ khâu quy hoạch. Khi đưa cán bộ vào danh sách quy hoạch, hàng năm phải rà soát lại xem cán bộ này đã đủ điều kiện nào, điều kiện nào còn thiếu, còn yếu thì phải bồi dưỡng.

Cơ cấu nhân sự Đại hội XIII: Trẻ tuổi và cao tuổi - Ảnh 3.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một cán bộ đưa vào quy hoạch có chuyên môn tốt, được tín nhiệm nhưng trình độ lý luận chính trị chưa đạt chuẩn thì phải đưa đi đào tạo về lý luận chính trị. Nếu kinh nghiệm thực tiễn còn "non" thì phải đưa đi luân chuyển để rèn luyện, thử thách trong thực tiễn để trưởng thành.

Nếu quy hoạch cán bộ theo quy trình như vậy thì đến Đại hội, các đại biểu nhìn thấy rõ và có khả năng trúng cử cao.

Trước đây đã có trường hợp cứ cố gắng đưa cán bộ trẻ đơn vị cơ sở vào quy hoạch, cuối cùng đưa vào danh sách bầu cử tại đại hội cấp ủy thì khó trúng.

Cho nên đây là một công việc gồm nhiều công đoạn, nhiều khâu, không chỉ đưa vào quy hoạch là sẽ được. Do vậy phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, giao việc, bổ nhiệm vào vị trí có cơ cấu. Như vậy, mới đảm bảo được cơ cấu nhân sự về tuổi tác.

Xin cảm ơn ông.

Đại hội cấp tỉnh, thành ủy: Chuẩn bị nhân sự là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng Đại hội cấp tỉnh, thành ủy: Chuẩn bị nhân sự là nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng

VTV.vn - Các Đảng bộ trực thuộc Trung ương đang khẩn trương hoàn tất mọi công việc cuối cùng để tổ chức đại hội đại biểu nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo đúng kế hoạch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước