Bên lề Hội nghị COP21, chiều 1/12, theo giờ địa phương (đêm 30/11, theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Laura Tuck đã đồng chủ trì cuộc Đối thoại cấp cao với chủ đề: "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với các thách thức của Biến đổi khí hậu tại ĐBSCL".
Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đây cũng là các thách thức to lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam - một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó có vùng ĐBSCL. Hiện khu vực ĐBSCL có dân số trên 18 triệu người, là nơi đang chịu các tác động "kép" do biến đổi khí hậu, nước biển dâng do các hoạt động xây đập, khai thác và sử dụng nước không bền vững tại các khu vực thượng nguồn sông Mekong.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhận thức rõ các thách thức trên, mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế về nguồn lực, song Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo và triển khai lồng ghép các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của vùng. Các nỗ lực này của Việt Nam gần đây đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và ủng hộ.
Tại diễn đàn đại diện của nhiều nước đều nhấn mạnh đến khả năng sau 15 năm nữa ĐBSCL có thể sẽ bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố, trong đó có nguồn nước ngầm bị sụt giảm cùng lúc với tình trạng nước biển dâng và thiếu phù sa do các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Do đó, năng suất lúa ở đây có thể sụt giảm 6-12%. Trong khi đó, tiến trình đô thị hóa nhanh chóng ở vùng đồng bằng này nhất là vùng ven biển cũng sẽ bị tác động bởi nước biển dâng.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới và Bộ trưởng Môi trường Phần Lan đều chúc mừng và đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được sớm những tác động của biến đổi khí hậu, nên đã lồng ghép các chương trình ứng phó vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Để hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Đức cam kết hỗ trợ trồng rừng ngập mặn để bảo vệ hệ sinh thái, môi trường cho khu vực này. Hà Lan và Phần Lan đều cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam về công nghệ tiết kiếm năng lượng và giảm sử dụng năng lượng hóa thạch như than đá - nguyên nhân chính tạo ra khí nhà kính.
Ngay tại cuộc đối thoại, Việt Nam và các nước đã ra tuyên bố chung kêu gọi các đối tác quốc tế cùng chung tay đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.