Nhận diện thực trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, co cụm, sợ trách nhiệm
Căn bệnh sợ trách nhiệm đang khiến cho việc giải quyết nhiều công việc chính đáng của người dân, của doanh nghiệp bị đình trệ; làm kìm hãm sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đáng nói nữa, đây cũng là nguyên nhân làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan Nhà nước. Vậy điều gì đã khiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo quản lý lại đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám làm, không dám quyết kể cả những việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình?
Nguyên nhân do đâu mà tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, lần đầu tiên Đảng đề cập yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung".
Tiếp đó, Bộ Chính trị phải ban hành kết luận về "Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" . Thế nhưng thực tiễn, ở không ít nơi, cán bộ, công chức lại co cụm, cầu an, không làm đúng chức trách nhiệm vụ, chứ chưa nói đến chuyện có đột phá, sáng tạo.
Không chỉ xảy ra ở những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, những đô thị lớn đòi hỏi tính chất phức tạp trong lãnh đạo quản lý. Thực trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, co cụm, sợ trách nhiệm cũng được nhiều địa phương trong cả nước nhận diện.
Tại Bình Thuận, một năm trước, tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, địa phương này cũng đã thẳng thắn chỉ rõ căn bệnh "sợ trách nhiệm", làm việc cầm chừng của đội ngũ cán bộ.
Mới đây, Thành phố Đà Nẵng, tỉnh Lâm Đồng đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm quyết khắc phục tình trạng cán bộ trên địa bàn né tránh, đùn đẩy công việc.
Còn tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội, tình trạng này tiếp tục là nội dung làm nóng nghị trường. Nhiều đại biểu cho rằng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong công việc đang là làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Ý kiến sợ sai, không dám làm vì chống tham nhũng quá mạnh là ngụy biện
Quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta thì đều xác định: cán bộ, công chức là cán bộ của dân và có trách nhiệm phục vụ nhân dân. Và nhiều nguyên nhân đã được đưa ra để lý giải cho tình trạng cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, thận trọng một cách quá mức, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết những việc trong thẩm quyền của mình.
Tuy nhiên, cho dù là nguyên nhân gì thì hiện tượng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm là vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước. Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã nhấn mạnh: "Rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Có ý kiến ngụy biện cho tình trạng cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy, co cụm, cầu an là để giữ cho mình được an toàn trước công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, mạnh mẽ, nên không làm thì sẽ không sai….
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5, tiếp đó là tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Khóa XIII của Đảng diễn ra sau đó 1 tuần; rồi mới đây nhất là tại Hội nghị Sơ kết 1 năm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi khi cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo.
Kết quả của công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực vừa qua đã tạo ra niềm tin trong Đảng và trong nhân dân. Do vậy, trước những khó khăn thực tại, không thể đổ lỗi là do công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh khiến cán bộ sợ sai, không dám làm.
Cần thiết hành lang pháp lý bảo vệ cho cán bộ công chức
Cùng một điều kiện, cùng một cơ chế, nhưng kết quả giải quyết công việc lại không giống nhau. Và một điểm chung được chỉ ra, đó là ở đâu, cán bộ công chức, đặc biệt là người đứng đầu có năng lực tốt, năng động, quyết liệt trong giải quyết công việc, ở nơi đó, công việc được khơi thông. Và chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, vừa qua, nhiều ngành, nhiều địa phương đã quyết tâm công phá để chữa căn bệnh này. Trong đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu, nhiệm vụ được người đứng đầu Thành phố đưa ra là "Lọc ra khỏi hệ thống những việc, những cá nhân làm chậm bước tiến của thành phố, e ngại khó khăn, thiếu tinh thần trách nhiệm".
Thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Trong đó, có đề xuất, miễn trách nhiệm hình sự nếu cán bộ, công chức có vi phạm nhưng không vụ lợi. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi người dân, bất kể là ai thì cũng đều phải thượng tôn pháp luật. Cho thấy, đây là một vấn đề rất lớn, rất khó.
Chia sẻ với báo chí về đề xuất của TP Hồ Chí Minh xin thí điểm thực hiện bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng: "Dám làm, dám chịu trước hết phải ở cấp cao nhất".
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên. Ảnh: VGP
Để hóa giải được tư tưởng co cụm, cầu an, né tránh, sợ trách nhiệm thì một hành lang pháp lý bảo vệ cho cán bộ công chức, là điều hết sức cần thiết. Thực tiễn những gì đang diễn ra, là một hồi chuông cho thấy tính cần thiết, cấp bách của vấn đề.
Những chỉ đạo gần đây của các cấp lãnh đạo cho thấy quyết tâm lớn trong công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ. Người làm việc vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng cần phải có cơ chế để bảo vệ, ngược lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết những việc trong thẩm quyền của mình thì đây là hành vi tiêu cực, cần phải được xử lý nghiêm minh.
Bởi nếu một cán bộ công chức bình thường có hành vi này thì sẽ khiến một số người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng nếu đó là hành vi của cán bộ lãnh đạo quản lý thì sẽ rất nhiều người bị ảnh hưởng, làm trì trệ, kìm hãm sự phát triển. Lúc này, đã qua nửa đầu của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nếu tình trạng này không được quyết liệt chấn chỉnh thì hậu quả có thể xảy ra là nguy cơ các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ khó có thể hoàn thành. Nguy hiểm hơn là sẽ làm giảm sút niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào một bộ máy Nhà nước.
Cùng trao đổi trong chương trình Tọa đàm: Chữa "bệnh" sợ trách nhiệm là 2 khách mời: PGS TS Lê Văn Cường, Phó Viện Trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và TS Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Bắt "bệnh" trốn tránh, sợ trách nhiệm VTV.vn- Nóng nhất trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 5, các ĐBQH đã quan tâm đến thực trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!