Chữa "bệnh" sợ trách nhiệm

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 22/04/2023 12:07 GMT+7

VTV.vn - Chưa khi nào tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, sợ trách nhiệm.. lại đáng báo động như gần đây.

Báo động tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm

Câu chuyện sợ trách nhiệm đã được nói đến nhiều lần, nhiều năm…. Nhưng có lẽ chưa khi nào chuyện "sợ sai", "sợ trách nhiệm" lại xuất hiện nhiều trên khắp các diễn đàn như thời gian gần đây. Xuất hiện nhiều bởi hiện tượng này không chỉ diễn ra đơn lẻ, mà là câu chuyện diễn ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành.

Vấn đề này trong tuần, lại tiếp tục nóng hơn khi tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật tuần trước và tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có chung một yêu cầu là chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Chữa bệnh sợ trách nhiệm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Người đứng đầu Chính phủ cũng vừa ban hành công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc. Đây là vấn đề báo động cấp bách mà thực tiễn đang đặt ra.

Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của đất nước được xem là năng động, luôn đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và phát triển.

Thế nhưng, Quý 1 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ đạt 0,7%, xếp thứ 56/63 địa phương. Tổng sản phẩm trên địa bàn lần đầu tiên thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ đạt 4%.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (2022) tụt 14 bậc xếp thứ 27/63. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công PAPI (năm 2022) nằm ở mức trung bình thấp với hơn 41 điểm.

Nhiều "điểm nghẽn" khiến kinh tế của Thành phố gặp khó, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu khác là  trong đó, có tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ công chức, là nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của thành phố. Thậm chí, ngay cả những việc thuộc thẩm quyền cũng phải đi hỏi ý kiến của cấp trên.

Đó chỉ là ví dụ cụ thể tại một địa phương, nhưng đáng tiếc là tình trạng này không phải đơn lẻ. Trong văn kiện đại hội XIII, lần đầu tiên Đảng đã đề cập đến cán bộ đảng viên "dám nói, dám nghĩ và dám làm". Nhưng hiện nay, dường như xuất hiện xu hướng 3 không trong một bộ phận cán bộ, công chức: "không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng".

Cần cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ tránh nhiệm không những làm cho công việc bị đình trệ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả điều hành, kinh tế xã hội phát triển chậm lại, mà nghiêm trọng hơn là làm suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Căn bệnh "sợ sai", "sợ trách nhiệm" cần phải được có một liều thuốc đặc hiệu để chữa trị. Trong các cuộc làm việc gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Theo đó, .

"Tôi đặc biệt lưu ý, chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm không dám tham mưu, không dám đề xuất và đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, giữa các bộ, ngành, giữa trung ương với địa phương. dứt khoát không xử lý và trả lại những việc không thuộc thẩm quyền; không đùn đẩy việc lên trên; phản ứng chính sách, xử lý công việc, mọi khó khăn, vướng mắc đối người dân, doanh nghiệp phải nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Cần thiết thì chúng ta phải xử lý bằng các biện pháp cho phù hợp. Bên cạnh xử lý những người làm không tốt thì phải khuyến khích, bảo vệ những người làm tốt và động viên kịp thời" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.

Chữa bệnh sợ trách nhiệm - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo phải chấm dứt tình trạng không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức - Ảnh: VGP

Theo đề xuất của Ban Tổ chức Trung ương, tháng 9 năm 2021, Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, hiện Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, qua quá trình xây dựng dự thảo nghị định.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang xin thí điểm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: "Dám làm, dám chịu trước hết phải ở cấp cao nhất".

Trách nhiệm của người lãnh đạo là phải ra những quyết định có tính chất quan trọng, mới chưa từng xảy ra, có tính chất thay đổi cục diện, tình hình, còn đa phần các cán bộ, công chức sẽ chỉ làm theo đúng quy định của pháp luật, quy trình công việc. Vì thế ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên là rất xác đáng.

Để hóa giải được tư tưởng co cụm, cầu an, né tránh, sợ trách nhiệm thì một hành lang pháp lý bảo vệ cho cán bộ công chức, là điều hết sức cần thiết. Thực tiễn những gì đang diễn ra, là một hồi chuông cho thấy tính cấp thiết của vấn đề. Người làm việc vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng cần phải có cơ chế để bảo vệ, ngược lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám quyết những việc trong thẩm quyền của mình cũng cần phải được xử lý nghiêm minh.

Muốn cán bộ, công chức làm đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình, rồi tiếp đó có là để cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thì trước hết phải bắt đầu từ chính những người đứng đầu.

Những tấm gương dám làm, dám chịu trách nhiệm

* Thôn Thượng, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc từng nổi tiếng toàn miền Bắc khi đất đai của Hợp tác xã được giao khoán  cho hộ nông dân tự cấy cày. Đến cuối vụ, hộ được phép giữ lại sản phẩm vượt định mức, sau khi đã nộp đủ thóc, lúa cho hợp tác xã.

Chữa bệnh sợ trách nhiệm - Ảnh 3.

Vụ lúa đầu tiên thực hiện thí điểm khoán vào năm 1966, năng suất lúa ở Thôn Thượng đạt trên 5 tấn/ha (thuộc loại cao ở thời điểm đó).

Cùng một giống lúa nhưng sản lượng ở ruộng khoán lại cao hơn ruộng của hợp tác xã? Những câu hỏi, những trăn trở khiến Bí thư Kim Ngọc quyết định áp dụng phương thức sản xuất mới. Đó là "khoán hộ".

Sau khi thí điểm thành công, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc cũ đã ban hành Nghị quyết 68 về cải tiến quản lý hợp tác xã. Khoán được áp dụng trong toàn tỉnh.

* Năm 1981, Chỉ thị 100 (hay còn gọi là khoán 100) do Ban Bí thư ban hành trên cơ sở đề án do Phó Thủ tướng Võ Chí Công xây dựng (sau này đồng chí là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Lần đầu tiên sáng kiến của quần chúng từng bị cấm kỵ nhiều năm và nhiều đảng viên bị kỷ luật vì "xé rào" đã được Đảng công nhận.

Chữa bệnh sợ trách nhiệm - Ảnh 4.

Kết quả ấy có dấu ấn của Phó Thủ tướng Võ Chí Công khi ông khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, nếu mô hình khoán thất bại. Sau thành không của khoán 100, ông được Bộ Chính trị giao chủ trì một tiểu ban nghiên cứu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp.

Từ đây hình thành nên Nghị quyết 10 ( hay còn gọi là khoán 10) nổi tiếng của Bộ Chính trị với  mức độ đổi mới được nâng cao hơn một bước. Năm 1989, chỉ một năm sau thực hiện khoán 10, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu gạo, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo.

* Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ một nhà lãnh đạo trưởng thành trong kháng chiến đến một vị thủ tướng giàu bản lĩnh, nhiều đột phá.

Làm Thủ tướng ở thời điểm khó khăn của thập niên 90 của thế kỷ trước,  khi mà đường hướng phát triển kinh tế lúc đó vẫn còn đang phải mò mầm, ông đã cùng tập thể lãnh đạo cao nhất đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và mở ra một tiến trình hội nhập sâu rộng.

Chữa bệnh sợ trách nhiệm - Ảnh 5.

Ông từng là Bí thư thành ủy lo "chạy gạo" khi quyết định mua gạo của nông dân theo giá thỏa thuận. Một quyết định xé rào thời bao cấp.

Với tính cách của ông, đột phá quyết liệt, đường dây 500kv Bắc-Nam được thi công trong 2 năm, một mốc thời gian như "không tưởng" .

Ở thời điểm mà việc xây dựng đường dây 500kV vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, công trình mang đậm dấu ấn dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân, đất nước của Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiệm kỳ 1992-1997.

Cùng trao đổi về chủ đề Chữa "bệnh" sợ trách nhiệm trong chương trình Sự kiện &Bình luận là ông Nguyễn Ngọc Đào, Đại biểu Quốc hội Khóa XII và ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc

VTV.vn-Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các Bộ, cơ quan, địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước