Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội thảo quốc gia lần thứ ba về xây dựng Nhà nước pháp quyền

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/03/2022 19:46 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Ngày 17/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" chủ trì Hội thảo quốc gia lần thứ 3 với chủ đề “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng thời là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm thảo luận và đề xuất các vấn đề cốt lõi, mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Vì thế, trên tinh thần thật thẳng thắn, trách nhiệm, mạnh dạn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo và quản lý đã đề xuất một số đột phá có cơ sở lý luận và thực tiễn, phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Trong đó, đột phá đầu tiên phải là đổi mới tư duy, nhận thức về nhà nước pháp quyền. Đây phải được coi là đột phá của đột phá. Tiếp đó, là khẳng định và đề cao sự thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Hoàn thiện cơ chế thực thi và kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời khẳng định và bảo đảm độc lập tư pháp. Đề cao chủ quyền nhân dân, tức là Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. 

Việc quản lý đất nước phải bằng pháp luật, bảo đảm quyền tự do, sáng tạo và quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân như Hiến pháp quy định. Một số nhà khoa học đề xuất trong xây dựng Nhà nước pháp quyền cần phải định rõ từng mốc thời gian đạt được các mục tiêu cụ thể. Giai đoạn 1 là từ nay đến 2030, tập trung tiếp tục thực hiện cụ thể Cương lĩnh xây dựng đất nước và Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và giai đoạn hoàn thiện từ 2030 đến 2045, tập trung vào xây dựng mô hình quản trị quốc gia mới. 

Việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền là điều kiện đóng vai trò trung tâm dẫn dắt phát triển để đạt được các mục tiêu về kinh tế - xã hội đến năm 2030 và 2045, bảo đảm "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vừa là giá trị, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là cam kết của Đảng trước nhân dân.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội thảo quốc gia lần thứ ba về xây dựng Nhà nước pháp quyền - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi Hội thảo (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tổng kết hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc Ban Chỉ đạo dành hẳn một ngày để lắng nghe các đề xuất, hiến kế về những điểm mới, đột phá trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian tới là vì đây là nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự thành công của Chiến lược khi triển khai trên thực tế. Với 40 bài tham luận đem lại một khối lượng thông tin rất lớn, rất có giá trị để chọn lọc, đưa vào Đề án và dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: ''Chúng ta đã có được sự thống nhất cao về một vấn đề chính trị - pháp lý rất quan trọng đó là Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước mà là một phương thức tổ chức quyền lực Nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm bản chất dân chủ của Nhà nước. Như vậy, có thể khái quát lại: Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quá trình Nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của Nhà nước pháp quyền hiện đại mang định hướng XHCN, bảo đảm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam, là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, do Đảng lãnh đạo, nhằm mục tiêu phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân''.

Từ đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đột phá trong tổ chức quyền lực Nhà nước và đột phá trong cải cách tư pháp. Đây là những định hướng quan trọng để Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những điểm mới, đột phá trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Chủ tịch nước cũng hoan nghênh các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp mới và đột phá cụ thể bao quát các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổ Biên tập xây dựng Đề án sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp, biên tập thật đầy đủ, khoa học.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một lần nữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng tới một nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, sớm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. 

Trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, Chủ tịch nước mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến sâu sắc hơn, cụ thể, chi tiết hơn trong các buổi tọa đàm chuyên sâu tới đây giúp Ban Chỉ đạo hoàn thành Đề án để trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm nay.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước