Chiều 3/11, Quốc hội đã tiến hành thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc với tỷ lệ tán thành 89% (429/431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, 2 đại biểu không biểu quyết).
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc
Trước đó, vào tháng 8, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc bị phát hiện có thêm quốc tịch nước ngoài sau khi loạt bài điều tra của hãng tin Al Jazeera nêu đích danh tên ông và vợ được nhận quốc tịch Cộng hòa Cyprus.
Ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi là Đại biểu Quốc hội và thôi chức vụ Tổng Giám đốc tại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận vào ngày 25/8 sau khi thông tin trên được công bố.
Sự việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch mà không khai báo với tổ chức Đảng, các cơ quan quản lý được cho là không trung thực, không gương mẫu, vi phạm tư cách đảng viên.
Theo quy định pháp luật, Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành quy định về nguyên tắc quốc tịch nêu rõ "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp luật này có quy định khác".
Việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số trường hợp rất đặc biệt và hãn hữu. Ông Phạm Phú Quốc không nằm trong diện đặc biệt.
Bên cạnh đó, theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, khoản 1a Điều 22 về tiêu chuẩn một quốc tịch với đại biểu Quốc hội quy định như sau: "Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Điều này có nghĩa rằng, đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch Việt Nam, không có quốc tịch thứ hai.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Bình Phước) - Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, từ những vụ việc như của ông Phạm Phú Quốc, cần có cơ chế thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội.
Cần phải đặt ra vấn đề chọn người thế nào cho chuẩn hơn, và ngay cả trong quá trình làm đại biểu rồi cũng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc này.
Theo Phó Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những sự việc đáng tiếc vừa qua cần được xem là hồi chuông cảnh tỉnh khi chúng ta chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!