Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền phải thật sự đột phá, vì con người

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 01/07/2021 20:50 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN

VTV.vn - 12 chuyên gia, NKH tham dự buổi làm việc lần này gồm các GS, tiến sỹ - những tên tuổi hàng đầu trong giới nghiên cứu pháp luật đến từ các bộ, ngành, cơ sở nghiên cứu...

Chiều 1/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã có buổi làm việc kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học pháp lý để lắng nghe các ý kiến góp ý vào dự thảo Đề cương sơ bộ của Đề án này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và bổ sung, phát triển năm 2011 đã xác định và nêu rõ 1 trong 8 đặc trưng của xã hội hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã cụ thể hóa Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức quản lý bằng pháp luật. Từ quan điểm này của Đảng, năm 2013, Hiến pháp đã được bổ sung, sửa đổi. Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từ 2011-2030 đã khẳng định tiếp tục nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để nâng cao năng lực quản lý, vận hành, điều hành và nâng cao năng lực kiến tạo phát triển của Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 35 năm Đổi mới, đặc biệt là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, việc xây dựng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta đã có bước phát triển mới với 4 điểm nổi bật. Đó là hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên, nội dung, phương thức quản lý Nhà nước từng bước được điều chỉnh phù hợp hơn. Đặc biệt là hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước hết sức căn bản. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đời sống xã hội. Việc phân công, phân cấp, phối hợp kiểm soát quyền lực giữa cơ quan Nhà nước đã được thực hiện và chuyển biến tích cực hơn. Bộ máy Nhà nước các bước đầu được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, gắn với tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt là cải cách tư pháp và cải cách hành chính là những lĩnh vực đột phá.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, từ những thành công và tồn tại trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm qua, Đại hội Đảng XIII tiếp tục xác định và nhấn mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị, trong đó cần nghiên cứu ban hành Nghị quyết về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu và khoa học, đánh giá cao cách làm đổi mới của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đó là mời các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm về Nhà nước và pháp quyền và khoa học pháp lý để tham vấn. Từ Nghị quyết Đại hội XIII xác định Nhà nước pháp quyền là trung tâm của hệ thống chính trị, các nhà nghiên cứu đề nghị Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong 10 và 25 năm tới phải được xây dựng theo tinh thần đổi mới tư duy để đề ra được những đột phá, giống như Văn kiện Đại hội Đảng XIII và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong 10 năm tới đã có đột phá rõ ràng. Nếu gỡ được nút thắt về tư duy và thúc đẩy các hành động trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì dưới sự lãnh đạo của Đảng đất nước sẽ dành được những thành tựu to lớn, như thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội và thành tựu về cải cách tư pháp trong hơn 15 năm qua. Theo đó, Chiến lược phải nâng tầm vai trò của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, Nhà nước pháp quyền không vì Nhà nước mà vì con người, trong đó có quyền con người, pháp luật vì con người. Đó là tư tưởng cội nguồn về Nhà nước pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Nhà nước phải được quản trị tốt, minh bạch và phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Ghi nhận những ý kiến của các nhà nghiên cứu và khoa học pháp lý, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai. Do đó thời gian nghiên cứu tổng kết về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ năm 1991 đến nay, đồng thời mở rộng nghiên cứu về giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, với tư duy và cách làm mới vì đất nước vì nhân dân để gỡ được các nút thắt trong phát triển, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Theo đồng chí Phan Đình Trạc Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, đồng thời là Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các nhà nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện đề cương sơ bộ và xây dựng đề cương chi tiết. Đề cương này sẽ được báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án vào cuối tuần này.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước