Thay mặt Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao, đồng chí Trương Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong tham luận trình bày tại Đại hội cho biết trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thay đổi về mô hình tổ chức, sắp xếp lại nhân sự Tòa án các cấp nhưng với tinh thần nỗ lực, quyết tâm trong công tác, trên cơ sở bám sát các yêu cầu, chỉ tiêu theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao đã chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch công tác với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và tổ chức thực hiện quyết liệt tại các Tòa án, trong đó tiếp tục chỉ đạo các Tòa án tập trung thực hiện tốt 4 giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động của Tòa án. Đó là tăng cường tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp.
Đồng chí Mai Thế Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã trình bày tham luận khẳng định công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới.
Theo đồng chí Mai Thế Dương, để công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng tiếp tục là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, trước hết phải nâng cao nhận thức của các cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy.
Bên cạnh đó đổi mới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả, đồng thời coi trọng, phát huy trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phản biện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đối với tổ chức Đảng, đảng viên.
Ủy ban Kiểm tra các cấp phải chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy về công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng để đề xuất, bổ sung, phát triển chủ trương, quan điểm, phương pháp, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng...
Việc tăng cường xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới cũng là một nội dung quan trọng được đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh trong tham luận của mình.
Theo đồng chí Thào Xuân Sùng, để mối quan hệ này ngày càng mật thiết, các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật đều phải được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân tham gia ý kiến, được đúc kết từ trong thực tiễn cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích thiết thân của nhân dân, được nhân dân đồng thuận ủng hộ và tự giác thực hiện.
Để công tác dân vận có hiệu quả, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải có tác phong "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", có số lượng, chất lượng, cơ cấu dân tộc và giới tính hợp lý theo chiến lược cán bộ của Đảng với chính sách cán bộ phù hợp trong điều kiện phát triển.
Để gắn bó mật thiết hơn mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, để nhân dân ngày một tin tưởng vào Đảng. Theo đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng góp phần tích cực trong việc củng cố mối quan hệ này, đồng thời góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bộ trưởng cho rằng những thành tích đạt được trong lĩnh vực an sinh xã hội thời gian qua là khá nổi bật, tuy nhiên vẫn chưa bền vững, sự tham gia của cơ quan đoàn thể và xã hội, huy động nguồn lực cho thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, do đó, trong nhiệm kỳ mới phải quán triệt, nâng cao nhận thức trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài.
Một yếu tố cũng hết sức quan trọng, đó là việc đổi mới chính sách giảm nghèo, từ tiếp cận đơn chiều sang đa chiều. Đối với công việc này, Bộ sẽ ưu tiên thực hiện ở những nơi khó khăn nhất trước để giảm nghèo bền vững, đồng thời tổng kết các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội đã và đang thực hiện có hiệu quả ở địa phương để có cơ sở hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác.
Đi đôi với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, yếu tố phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam được đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh trong tham luận. Tới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ văn hóa với nhiệm vụ chính trị.
Trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về đạo đức, lối sống hiện nay, văn hóa phải phát huy hơn nữa sứ mệnh "soi đường quốc dân đi", xây dựng hệ giá trị văn hóa mới, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, phải thực sự trở thành điểm tựa tinh thần và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Văn hóa phải có tiếng nói mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa đối với những quan điểm mơ hồ, sai trái, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online