"Cần phải làm sao để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm"

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 31/05/2023 11:32 GMT+7

Đại biểu Trần Hữu Hậu (tỉnh Long An)

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến nhằm tìm nguyên nhân và khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, đùn đầy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Tháo gỡ vướng mắc để cán bộ làm tốt chức trách, nhiệm vụ

Tại nghị trường Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Trần Hữu Hậu (tỉnh Long An) đã phát biểu tranh luận về tình trạng cán bộ sợ sai, sợ vi phạm pháp luật.

Đại biểu cho rằng, nếu có các quy định, các hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng phần đông cán bộ, công chức, viên chức sẽ chỉ nỗ lực để năng động sáng tạo, tìm được cách làm hiệu quả hơn, chẳng có gì phải sợ.

"Những người thấy làm sai quy định dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là điếc không sợ súng hoặc thiếu ý thức tổ chức kỉ luật. Cũng vì vậy mà việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi, bởi lẽ bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Khi ấy lại cần có việc bảo vệ người bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Và theo bậc thang có thể phải lên đến Quốc hội" – ông Hữu phân tích.

Đại biểu cho rằng, vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành. Việc cấp dưới xin ý kiến cấp trên, thấy vướng lại chuyển ngược lên cấp trên, xin ý kiến rồi mới làm trở thành phổ biến.

Về việc xây dựng Nghị định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo. Thế nhưng sau ba lần chỉnh sửa, dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy vướng rất nhiều quy định của pháp luật nên đang tham mưu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây có Nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ,  dám làm.

Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng: "Cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức, các cấp của chúng ta không phải dám nghĩ, dám làm và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức viên các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để năng động sáng tạo thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước".

ĐBQH tỉnh Kon Tum kiến nghị Quốc hội xem xét để có được những cách làm, những trình tự, thủ tục phù hợp hơn nữa, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh để cán bộ, công chức, viên chức bớt phải dám nghĩ, dám làm, tập trung sức lực, trí tuệ, để năng động, sáng tạo, làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ trong sự thông thoáng của các quy định của pháp luật.

Bắt đúng bệnh của tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm

Cũng phát biểu tranh luận liên quan đến việc đùn đầy, né tránh, sợ trách nhiệm được nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh.

Cần phải làm sao để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam)

Lấy ví dụ về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ đã nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Theo quy luật, càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn nhưng thực tế vẫn còn rất thấp.

Cùng với đó, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, nhiều nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc.

Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, vấn đề ở đây chính là trách nhiệm của người đứng đầu.

Không dám làm, giải ngân vốn chậm đang gây lãng phí

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong tình hình khó khăn, những kết quả phát triển kinh tế, xã hội đạt được trong thời gian qua đã thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội còn có những vướng mắc như tiến độ giải ngân còn chậm, có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây lãng phí thời gian và các nguồn lực.

Bên cạnh đó, đại biểu cho biết, một số dự án tại Quảng Bình cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn đang gặp phải những điểm nghẽn chưa được tháo gỡ do các cơ quan chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, dẫn tới chậm tiến độ triển khai thực hiện. Đại biểu cho rằng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, để các đơn vị, chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan có được nhận thức thống nhất, triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ công tác.

Đại biểu cho rằng, cần thành lập các tổ công tác liên ngành, tập hợp các đầu mối nhằm tháo gỡ những vướng mắc của địa phương, ban hành quy tắc, quy chuẩn xử lý các vấn đề phổ biến gặp phải trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các nhiệm vụ liên quan và phổ biến rộng rãi, để địa phương nào gặp khó khăn có thể tra cứu để thuận lợi trong quá trình triển khai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước