Điều hành giá xăng dầu bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên chất vấn 2 nhóm vấn đề công thương và tài nguyên – môi trường đã diễn ra rất sôi nổi, thu hút được sự quan tâm, chú ý rộng rãi của cử tri cả nước và đã thành công tốt đẹp.
Về giải pháp trọng tâm đối với lĩnh vực công thương, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất và tiêu dùng trong mọi tình huống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; cần có những giải pháp tổng thể, kịp thời, căn cơ để giải quyết những vướng mắc của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc không thực hiện đầy đủ cam kết trong các hợp đồng về đầu tư, kinh doanh; nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu, nhất là dự trữ quốc gia, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cước mở, các định mức hao hụt, định mức chi phí, định mức lợi nhuận… cấu thành trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu cho phù hợp với thực tế, góp phần kiểm soát giá xăng dầu nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao. Sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu ngay tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9 trong tháng 3 này để tiến hành thực hiện ngay từ tháng 4.
"Nếu giá xăng dầu tiếp tục diễn biến phức tạp thì bên cạnh kết hợp Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và điều hành bằng thuế, chúng ta cần tiếp tục áp dụng các công cụ khác để kịp thời hỗ trợ người dân trước những khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu. Tiếp tục tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành thị trường xăng dầu" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; tăng cường phối hợp các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là lực lượng công an, biên phòng, hải quan và thanh tra chuyên ngành; ngăn chặn tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ, nhất là đối với mặt hàng vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trình xem xét thông qua Nghị quyết về giảm thuế môi trường đối với xăng dầu. Ảnh minh họa: TTXVN
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động của lực lượng quản lý thị trường; xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi, đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu…
Trong năm 2022, ban hành các đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; về nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; về ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Xây dựng các hệ cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nhất là mặt hàng nông sản. Có chính sách thúc đẩy nhanh và mạnh và có cam kết, lộ trình rất cụ thể nhằm chuyển từ xuất khẩu hàng hóa theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu hàng hóa chính ngạch. Tăng cường hợp tác quốc tế về thương mại, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán các Nghị định thư với Trung Quốc để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải qua kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình trong nước và quốc tế để người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng vận chuyển lên các cửa khẩu.
Các Bộ trưởng trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh
Đánh giá về phiên chất vấn ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Qua phiên chất vấn, cho thấy việc lựa chọn và quyết định hai nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ Chín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV là đúng và trúng, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính quan trọng, cơ bản và lâu dài. Mặc dù được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 62 điểm cầu trên cả nước, nhưng phiên chất vấn vẫn tạo được sự tương tác, đối thoại trực diện giữa người hỏi và người trả lời về vấn đề được chất vấn, thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra".
Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm, cầu thị, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực mình phụ trách, thẳng thắn, không vòng vo, né tránh, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, trong đó có những vấn đề dân sinh bức xúc, tồn tại nhiều năm, đồng thời đã nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, làm rõ những nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và tiếp thu đầy đủ các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, từ đó nâng cao năng lực điều hành, quản lý, quản trị, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn cảnh phiên chất vấn ngày 16/3. Ảnh: TTXVN
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nghiên cứu rất kỹ các tài liệu, nắm chắc vấn đề, đặc biệt là các vấn đề dư luận và cử tri quan tâm, bám sát thực tiễn, thực tế địa phương và lĩnh vực được chất vấn để đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng. Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các trưởng ngành liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ theo quy định đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm nhiều vấn đề liên quan.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, từ các chất vấn của đại biểu Quốc hội, nhiều vấn đề tồn tại trong xã hội đã được giải quyết; nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động chất vấn còn giúp phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc tìm ra các giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại. Nói cách khác, hoạt động chất vấn chính là sự cảnh báo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một vấn đề hay một thực trạng cần được lưu ý giải quyết. Chất vấn cũng là cơ hội để các "tư lệnh" ngành thực hiện trách nhiệm giải trình, minh bạch hóa các chính sách được ban hành để từ đó gián tiếp tạo nên sự đồng thuận trong thực hiện chính sách, không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà còn từ phía các tầng lớp Nhân dân trong xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thật tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9.
"Đây cũng là một trong những đổi mới căn cơ trong hoạt động chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiền đề quan trọng cho việc tiếp tục chủ động đổi mới trong hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn nói riêng, làm cho hoạt động giám sát thực sự trở thành một trong những công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!