Khắc phục tình trạng chồng chéo trong các quy hoạch
Tham gia thảo luận tại hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia sáng 7/1, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và sự cần thiết của Quy hoạch: "Nếu Quy hoạch tổng thể quốc gia không phê duyệt được sẽ làm ách tắc trong tất cả vấn đề đang triển khai hiện nay. Các địa phương đều đang chờ quy hoạch".
Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng và tính khả thi của Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Về phương pháp lập quy hoạch, việc lập quy hoạch quốc gia là đúng với định hướng, đúng quy trình, đúng quy định. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương lập quy hoạch và đã có 2 tỉnh lập được phê duyệt quy hoạch là Bắc Giang và Hà Tĩnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nêu ý kiến về vấn đề tích hợp các quy hoạch hay kết nối giữa các quy hoạch gặp khó khăn giữa các địa phương.
Ông Hạ lấy ví dụ: "Khi đi một con đường rất đẹp nhưng thấy một đoạn khúc khuỷu, đi sang bên kia lại thấy đẹp. Hóa ra đó là khúc kết nối giữa 2 huyện hoặc giao giữa 2 tỉnh".
ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng băn khoăn việc tích hợp giữa quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch xây dựng. Trong khi ở nhiều nước trên thế giới tiến hành tách hai quy hoạch này, bởi một quy hoạch mang tính chất định hướng không gian và một quy hoạch tương đối cụ thể để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Đại biểu đề nghị nghiên cứu khắc phục được tình trạng chồng chéo trong các quy hoạch. Đặc biệt cần có kết nối giữa quy hoạch của Việt Nam và kết nối với khu vực và trên thế giới.
"Kinh tế chúng ta đang đặt trong kinh tế khu vực và thế giới. Công dân bây giờ là công dân toàn cầu. Chúng ta cần phải kết nối như thế nào giữa quy hoạch của Việt Nam và các nước khu vực và trên thế giới" – ông Hạ đề nghị các cơ quan hữu quan cần quan tâm hơn đến vấn đề này.
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu lại mục tiêu đến năm 2045 là nước phát triển hiện đại, thu nhập cao và cho rằng cần đánh giá kỹ hơn tiềm năng, tiềm lực của Việt Nam để phát huy.
Nghiên cứu bổ sung nội dung cụ thể về liên kết vùng
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Lý Thị Lan (tỉnh Hà Giang) cho rằng, những vấn đề về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng, nhưng chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng. Quy hoạch chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau về cơ cấu kinh tế.
Đại biểu Lý Thị Lan (tỉnh Hà Giang)
Ngoài ra, về vấn đề cụm liên kết ngành, đại biểu cho rằng cần làm rõ khái niệm, định hướng liên kết, định hướng vai trò, trách nhiệm dẫn dắt, lan tỏa để các tỉnh làm cơ sở luận giải được vị trí, vai trò, mối liên kết vùng của địa phương mình đối với vùng, quốc gia, quốc tế, giúp các địa phương tiếp cận được các nguồn lực để thực hiện được các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái) cũng cho rằng, báo cáo mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.
Đại biểu đề nghị đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng cần xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đồng bộ liên kết vùng; có cơ chế điều phối quản trị vùng nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!