Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Các thành viên APEC cần chung tư duy, cùng hành động vì lợi ích của chính mình và cả cộng đồng

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành-Thứ bảy, ngày 13/11/2021 19:26 GMT+7

VTV.vn - Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tối 12/11, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị APEC, ở thời khắc đặc biệt này, các thành viên cần vượt qua khác biệt để "chung tư duy cùng hành động" vì lợi ích của chính mình và của cả cộng đồng mà trước hết là phục hồi bền vững sau đại dịch và tăng trưởng bao trùm.

Các hội nghị của APEC năm 2021 được tiến hành hoàn toàn trực tuyến vì chủ nhà New Zealand vẫn đang đóng cửa biên giới để phòng chống COVID-19.

Phát biểu khai mạc Hội nghị đa phương cuối cùng của thế giới trong năm nay, Thủ tướng Jacinda Ardern cho rằng mỗi nền kinh tế trong APEC đều trải qua đại dịch COVID-19 khác nhau và ứng phó với đại dịch theo những cách riêng nhưng tất cả đều đối mặt với các vấn đề cơ bản giống nhau, bao gồm thúc đẩy tiêm chủng, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người dân, bảo đảm đi lại an toàn giữa các quốc gia, đi cùng với phục hồi kinh tế mạnh mẽ và bao trùm.

Các thành viên APEC cần chung tư duy, cùng hành động vì lợi ích của chính mình và cả cộng đồng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 28 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cùng bày tỏ quyết tâm hơn bao giờ hết của APEC vượt qua đại dịch, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, đi cùng với ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng bao trùm cho tất cả người dân, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cuộc chiến cam go đầy đau thương, mất mát của thế giới với đại dịch COVID-19 hai năm qua buộc các nền kinh tế phải suy ngẫm, nhìn nhận lại về nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, nhất là sự dễ tổn thương, thiếu sẵn sàng trước dịch bệnh và biến đổi khí hậu cũng như những bất cập và hạn chế của hệ thống quản trị toàn cầu trong xử lý khủng hoảng cùng với sự bất bình đẳng trong và giữa các nền kinh tế.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lịch sử cho thấy, mỗi lần vượt qua khủng hoảng, APEC lại càng chứng tỏ sức sống mạnh mẽ và vai trò gắn kết của mình. Trong khó khăn hôm nay, hơn bao giờ hết, APEC- nơi đóng góp hơn 60% GDP và gần một nửa thương mại toàn cầu cần tiếp tục phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đi cùng với khẳng định vai trò là trung tâm khởi xướng các ý tưởng sáng tạo và xu thế phát triển mới. Đồng thời, APEC cần chủ động mở rộng liên kết kinh tế trong phục hồi, tăng trưởng bền vững, dẫn dắt sự định hình của kinh tế thế giới sau đại dịch và góp phần củng cố quản trị kinh tế toàn cầu hiệu quả, công bằng, minh bạch.

Trong tuyên bố chung của Hội nghị và Kế hoạch hành động thực hiện Tầm nhìn APEC 2040 được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo thông qua khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ kinh tế vĩ mô hiện có để giải quyết các hậu quả bất lợi của đại dịch COVID-19, duy trì sự phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn.

Các nhà lãnh đạo cam kết thúc đẩy sản xuất và cung cấp vaccine phòng COVID-19 thông qua chuyển giao công nghệ và xóa bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với thiết bị y tế. Đi cùng với tăng cường hợp tác trong việc xét nghiệm COVID-19 và hộ chiếu vaccine khi mở cửa trở lại biên giới và khi đi lại của người dân giữa các nền kinh tế tăng lên. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết sẽ ngừng tăng trợ cấp cho khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo cơ sở cho việc thảo luận về các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu trong các cuộc họp APEC sau này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo cũng nhất trí Thái Lan sẽ giữ trọng trách Chủ tịch APEC năm 2022. Thủ tướng New Zealand Jacindar Ardern đã chuyển giao trọng trách này cho Thủ tướng Prayut Chan-ocha mà biểu tượng là chiếc mái chèo của người Maori, để Thái Lan đưa con thuyền APEC cùng hợp tác hài hòa, cùng thay đổi ở hiện tại để hướng tới tương lai chung.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác cùng Thái Lan và các thành viên tổ chức thành công Năm APEC 2022 với 3 ưu tiên, là "Rộng mở" cho tất cả các cơ hội, "Kết nối" trong tất cả các phương diện và "Cân bằng" trong mọi khía cạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước