"Các doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế rất tin tưởng vào Việt Nam"

Thu Trà, Quang Hạnh, Đức Thuận, Trần Nam-Thứ năm, ngày 23/05/2024 21:00 GMT+7

VTV.vn - Theo chương trình Kỳ họp thứ bảy, hôm nay (23/5), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư, thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trong sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành. Tình hình kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Những tháng cuối năm 2023, một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Còn từ đầu năm đến nay, Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023; Đặc biệt, lần đầu tiên quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.

Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Đà tăng trưởng của năm 2023 vẫn tiếp nối được sang năm 2024. Thứ 2 là một số những tín hiệu của năm 2024 được cải thiện tốt hơn. Đặc biệt như các chỉ số về xuất nhập khẩu, đơn hàng của các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng. Chúng ta cũng nhìn thấy điểm tốt là giải ngân đầu tư công quý 1. Điểm thứ 5 cũng khá là thuận lợi là chũng ta đã nhìn thấy được nợ công đã đưa xuống rất thấp. Đây là 5 điểm mạnh để có thể kỳ vọng kinh tế năm 2024 sẽ đạt được mục tiêu".

"Những kết quả đã đạt được là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự điều hành của Chính phủ trước những "cơn gió ngược". Chúng ta không chỉ trụ được mà còn là điểm sáng. Các doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế rất tin tưởng vào Việt Nam" - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Góp ý vào các giải pháp trong thời gian tới, một số đại biểu đề nghị tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều biến động, khó lường.

Ông Dương Văn Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam chỉ ra rằng: "Các giải pháp để bình ổn giá thông qua chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hạn chế lượng tiền lưu thông trong ngành kinh tế. Tập trung mở các nút thắt để kích thích sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra nhiều hệ thống hàng hóa phục vụ nhu cầu xã hội".

Một số đại biểu cũng đánh giá cao Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực hoàn thiện thể chế, quy hoạch và phát triển hạ tầng giao thông. Rõ nhất là hàng nghìn km đường cao tốc đã được đưa vào sử dụng. Tuy vậy vẫn cần giải pháp mạnh hơn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Huỳnh Thanh Phương, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nêu rõ: "Tôi đề nghị nên có cơ chế chính sách để chúng ta tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đầu tư công. Những công trình dự án nào mà hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng cao thì nên có khen thưởng kịp thời động viên và cũng kích thích để giải ngân. Đối với những công trình hoàn thành chậm, tiến độ kéo dài hoặc là đội vốn lên thì chúng ta cũng phải có chính sách xử phạt, đồng thời không cho tham gia các dự án đấu thầu tiếp theo".

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một số đại biểu đề nghị cần sớm triển khai thi hành luật đất đai, luật nhà ở và luật kinh doanh bất động sản để tránh lãng phí tài nguyên đất.

Ông Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết: "Một loạt các luật mới đã được sửa đổi cho nên có rất nhiều các chính sách mới cởi mở hơn, tốt hơn, chặt chẽ hơn trong vấn đề quản lý đất đai tài nguyên. Thì rất mong sẽ áp dụng các luật mới được thông qua về đất đai, về bất động sản để ngăn chặn sự lãng phí đất đai tài nguyên"

Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước