Đại sứ Maroc Azzeddiine Farhane, Đại sứ Nhật Bản Kunio Umeda, Đại sứ Serbia Slobodan Marinkovic, Đại sứ Tajikistan Parviz Davlatzoda, Đại sứ Litva Ina Marciulionyte, Đại sứ Fiji Isikeli Mataitoga, Đại sứ Cộng hòa Mauritius Issop Patel, Đại sứ Bồ Đào Nha Francisco de Assis Morais e Cunha Vaz Patto và Đại sứ Estonia Martin Kokk đã lần lượt trình Quốc thư lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tiếp Đại sứ Maroc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn tại các diễn đàn quốc tế. Chủ tịch nước cũng đề nghị Đại sứ thúc đẩy trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, hướng tới thành lập Hội đồng doanh nghiệp chung; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; thúc đẩy cơ chế hợp tác 3 bên. Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ mong muốn sớm được đón Quốc vương Mohammed VI thăm chính thức Việt Nam.
Tiếp Đại sứ Nhật Bản, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Đại sứ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, Bộ, ngành của Việt Nam trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Chủ tịch nước cũng đề nghị Đại sứ thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA, tiếp tục triển khai các chương trình hành động của 6 ngành ưu tiên trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt - Nhật; thúc đẩy triển khai các dự án kinh tế quy mô lớn, vận động doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, và ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Về phần mình, Đại sứ Kunio Umeda khẳng định Nhật Bản khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, đồng thời sẵn sàng phối hợp giúp Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017 tại Việt Nam.
Tiếp Đại sứ Serbia, Chủ tịch nước mong muốn trong thời gian tới hai bên cần tiến hành trao đổi đoàn cấp cao, tham vấn trực tiếp giữa các Bộ, ngành, tăng cường quan hệ giữa hai nước trong thúc đẩy thương mại, ứng phó biến đổi khí hậu, môi trường, tăng trưởng xanh. Chủ tịch nước tin tưởng Đại sứ sẽ nỗ lực đóng góp cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.
Tiếp Đại sứ Tajikistan Parviz Davlatzoda, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn các Bộ, ngành hai nước tiếp tục thực hiện các thỏa thuận đạt được trước đó, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tajikistan trong lĩnh vực thủy điện, kinh tế - thương mại, xuất khẩu sang Tajikistan các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Chủ tịch nước đề nghị hai bên tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi thông tin về chính sách, thị trường, đẩy mạnh hợp tác đầu tư.
Đại sứ Parviz Davlatzoda cho biết Tajikistan luôn coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong hợp tác kinh tế, đồng thời tin tưởng hai bên sẽ sớm ký kết các văn kiện hợp tác trong thời gian tới.
Tiếp Đại sứ Litva Ina Marciulionyte, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn trong thời gian tới, hai bên tiến hành trao đổi đoàn cấp cao, tham vấn trực tiếp giữa các Bộ, ngành, đề nghị Litva sớm ký chính thức và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, mong EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Chủ tịch nước tin tưởng Đại sứ trong nhiệm kỳ cùa mình sẽ có những đóng góp tích cực cho quan hệ Việt Nam - Litva vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Tiếp Đại sứ Fiji Isikeli Mataitoga, chia sẻ những khó khăn mà nhân dân Fiji trải qua do hậu quả của siêu bão Winston, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong muốn hai bên đẩy mạnh trao đổi đoàn các cấp và giao lưu nhân dân, thiết lập các cơ chế hợp tác và đàm phán, tiến tới ký kết các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần. Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm với Fiji về phát triển nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực, hợp tác nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản, xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch và y tế.
Đại sứ Fiji khẳng định Fiji sẵn sàng hợp tác với Việt Nam tại diễn đàn Liên Hợp Quốc và ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các vị trí khác.
Tiếp Đại sứ Mauritius, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn Mauritius đã phối hợp và ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, đề nghị hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có các cơ quan của Liên Hợp Quốc. Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kinh tế và phát triển đất nước, sớm hoàn tất đàm phán và ký kết các văn kiện hợp tác như Hiệp định, tránh đánh thuế hai lần, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, vận tải hàng không.
Đại sứ Issop Patel khẳng định Mauritius sẽ ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Tiếp Đại sứ Bồ Đào Nha, Chủ tịch nước đề nghị Bồ Đào Nha ủng hộ ứng viên của Việt Nam vào các cơ quan của Liên Hợp Quốc cũng như tiếp tục ủng hộ Việt Nam sớm ký chính thức và triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Thông báo phía Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai nước, Chủ tịch nước mong muốn các nhà đầu tư Bồ Đào Nha quan tâm đến thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực như kinh tế biển, du lịch, năng lượng, hợp tác 3 bên với các nước nói tiếng Bồ Đào Nha.
Đại sứ Bồ Đào Nha mong muốn thời gian tới hai nước sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực thương mại, thiết lập nhóm hữu nghị để thúc đẩy giao lưu nhân dân, và tích cực phối hợp để Việt Nam sớm ký chính thức và triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
Tiếp Đại sứ Estonia, Chủ tịch nước cho rằng quan hệ kinh tế - thương mại song phương giữa hai nước cũng còn ở mức thấp khoảng 44 triệu USD. Để nâng cao hơn nữa kim ngạch song phương cũng như hợp tác đầu tư, thương mại, Chủ tịch nước đề nghị hai bên tăng cường trao đổi, giao lưu doanh nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường của nhau. Chủ tịch nước đề nghị Estonia ủng hộ và thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ Estonia tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Chủ tịch nước đề nghị Estonia ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Đại sứ Martin Kokk khẳng định Estonia sẽ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào ví trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 - 2021.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!