Bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/11/2023 15:02 GMT+7

VTV.vn - Với hai Quy định vừa ban hành, được cho là một bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lần đầu tiên, 21 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán được nhận diện trong Quy định 131 của Bộ Chính trị.

27 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được Quy định 132 của Bộ Chính trị chỉ rõ.

Với hai Quy định vừa ban hành, được cho là một bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là khi đối tượng được đề cập đến của các Quy định này là những cán bộ hoạt động trong các cơ quan có chức năng bảo vệ Đảng, bảo vệ pháp luật, đại diện cho công lý.

Bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực - Ảnh 1.

Với hai Quy định vừa ban hành, được cho là một bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các lĩnh vực kiểm tra, thanh tra, kiểm toán hay điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là những lĩnh vực hết sức quan trọng, đại diện cho quyền lực của Đảng và Nhà nước; cũng là đại diện cho công lý. Các cơ quan này có chức năng, nhiệm vụ chính trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cũng bởi vậy mà lâu nay dư luận xã hội thường ví các cơ quan, các cán bộ làm việc trong lĩnh vực này là "thanh bảo kiếm", là "lá chắn" để bảo vệ Đảng và Nhà nước.

Với vai trò đặc thù và đặc biệt như vậy, chỉ một hành vi lợi dụng, lạm dụng vị trí công tác của cán bộ các cơ quan này có thể làm lệch lạc, méo mó hoạt động tư pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến "sinh mệnh" của người khác và làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và thực thi công lý. Do đó, việc mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131 về Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; và Quy định 132 về Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án. Được cho là hết sức cần thiết. Bởi thời gian qua, có một bộ phận cán bộ đại diện cho cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng lại vướng vào tham nhũng, tiêu cực.

Tháng 10 năm ngoái, Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) bị khởi tố, bắt tạm giam vì nhận hối lộ trong vụ "chạy án" tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

Chỉ 1 tháng sau đó, Phó Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu bị bắt quả tang khi đang nhận tiền của một nữ bị cáo để chuyển 6 tháng tù giam thành 6 tháng tù treo.

Còn trong năm nay, chỉ tính riêng trong vụ án chuyến bay giải cứu:

- Cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn bị phạt 5 năm tù về tội "Nhận hối lộ" ;

- Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an nhận nhận mức án tù chung thân về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo số liệu từ Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong nửa đầu nhiệm kỳ, có hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực bị kỷ luật, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự.

Bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực - Ảnh 3.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phạt 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ảnh: TTXVN

Quy định 131 và Quy 132 mà Bộ Chính trị mới ban hành, dành riêng cho hệ thống cơ quan, cán bộ trực tiếp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ thực tiễn thời gian qua, mặc dù các vụ việc vi phạm trong các cơ quan này đã được phát hiện và xử lý kịp thời, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân vào thực thi công lý. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, cần một chế tài răn đe, nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn từ sớm, từ xa và cũng là minh chứng cho khẳng định "không có vùng cấm", "không có ngoại lệ" trong thực hiện Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TRONG CƠ QUAN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Những hành vi như: chỉ đạo, ép buộc cấp dưới che giấu, không báo cáo, cáo cáo sai sự thật, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến sai lệch kết quả thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm…; Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền để áp đặt, hợp thức hóa các hành vi, quyết định trái pháp luật của mình hoặc để quyết quyết việc cá nhân mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án…

Đây là 2 trong số 27 hành vi được nhận diện trong Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Với việc chỉ rõ nhiều hành vi vi phạm, Quy định 131 và 132 của Bộ Chính trị được dư luận đánh giá là đã cụ thể hóa các quy định của Đảng một cách rất cần thiết, kịp thời.

Tại nhiều phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tới yêu cầu về kiểm soát quyền lực và đặc biệt đề cao phẩm chất, sự liêm chính của cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bước tiến mới của Đảng trong công tác kiểm soát quyền lực - Ảnh 4.

PGS. TS Vũ Văn Phúc và Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ trao đổi trong chương trình Sự kiện và Bình luận.

Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực thời gian qua đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của người dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng. Và niềm tin của người dân vào Đảng thông qua chính các cơ quan, các cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiêu cực là hết sức quan trọng. Bởi đó là đại diện cho pháp luật, cho công lý. Quy định mà Bộ Chính trị vừa ban hành, chính là một bước tiến trong kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng tiêu cực. Các quy định này đã hướng đến làm trong sạch đội ngũ ở chính những cơ quan có nhiều thẩm quyền, giúp các cơ quan này thực sự trong sạch và trở thành những "thanh bảo kiếm", những tấm "lá chắn" sắc bén để bảo vệ Đảng Nhà nước và nhân dân.

PGS. TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Các cơ quan Đảng Trung ương và Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội là hai khách mời tham gia chương trình Sự kiện và Bình luận sẽ cùng trao đổi để làm rõ hơn về vấn đề này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước