Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/07/2023 06:10 GMT+7

VTV.vn - Việc bố trí cán bộ địa phương này đi làm lãnh đạo một địa phương khác góp phần giúp cán bộ có động lực, quyết tâm, xóa bỏ được tình trạng cục bộ địa phương, kìm hãm sự phát triển.

Việc điều động, luân chuyển cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên

Thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các cấp ủy tích cực triển khai và giành được kết quả quan trọng.

Hiện đã có trên 60% Bí thư các tỉnh, thành ủy trực thuộc trung ương; phần lớn Bí thư cấp huyện và tương đương không là người địa phương. Nhiều bộ ngành có tính chất chuyên môn sâu cũng đẩy mạnh bố trí người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không phải người địa phương.

Những kết quả này không chỉ giúp các địa phương, đơn vị phát triển mà còn khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, nhất là ở những nơi mất đoàn kết, có vấn đề nổi cộm.

Tiếp tục thực hiện chủ trương này một cách khoa học, công tâm, khách quan sẽ là một trong những đột phá trong công tác cán bộ.

Gần 3 năm nay, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) Trần Văn Khuyên đã trở thành người quen với người dân 12 xã của huyện. Chính người dân đã có những đánh giá công tâm về người đứng đầu cấp ủy địa phương.

Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 1.

Bí thư Huyện ủy Hóc Môn Trần Văn Khuyên đã trở thành người quen với người dân 12 xã của huyện

Trong 3 năm qua, 117/288 công trình trọng điểm bị tắc nghẽn lâu nay tại huyện Hóc Môn được tháo gỡ, mặc dù có đến phân nửa thời gian đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng không nhỏ đến chương trình, kế hoạch phát triển.

Thường xuyên tiếp xúc lắng nghe dân; thường xuyên làm việc ở cơ sở để nắm bắt thấu đáo tâm tư năng lực cán bộ, cùng chia sẻ để có chung mục tiêu phát triển địa phương, nâng chất đời sống người dân. Là người địa phương khác, không bị chi phối bởi các mối quan hệ thân quen đã giúp ông Khuyên luôn hành động với quyết tâm cao.

Tại huyện Hóc Môn, đến nay, ở toàn bộ 12 xã thuộc huyện, Bí thư và Chủ tịch UBND xã đều không phải là người địa phương, đã góp phần giải quyết được nhiều việc tồn đọng. Như ở xã Tân Thới Nhì, những hộ dân bị thuộc diện giải tỏa dự án đường Vành đai 3 đã cơ bản đồng thuận bàn giao mặt bằng trước thời hạn. Đây là một việc khó nhiệm kỳ trước không làm được, nay đã hoàn thành.

Tại huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, đến nay là 3 nhiệm kỳ liên tiếp, Người đứng đầu Huyện ủy đều là cán bộ được thành phố điều động, luân chuyển về. Ở Thanh Oai, từng có giai đoạn mất đoàn kết nghiêm trọng. Thậm chí, có thời điểm, 40% cấp ủy cấp huyện phải điều chuyển thì Đảng bộ huyện mới tổ chức được Đại hội thành công.

Sự kiên quyết của cấp ủy cấp trên, cùng với sự nỗ lực của cán bộ luân chuyển, dần dần cũng đã thuyết phục được cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương. Nếu như trước đây, việc điều động, luân chuyển cán bộ là để giải quyết yêu cầu tình thế, thì nay, công tác này đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Hiện Hà Nội đã bố trí Bí thư cấp ủy không phải người địa phương tại 28/30 quận huyện.

Hà Nội rất quan tâm tới quy trình tổ chức thực hiện, đánh giá đầy đủ tính chất, yêu cầu của địa phương đó: đô thị hay nông thôn, điểm mạnh hay điểm yếu, tập trung phát triển kinh tế hay tập trung phát triển đô thị, có những vấn đề gì mà khi đứng đầu cấp ủy phải tập trung giải quyết. Phải lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, đặc biệt là có chuyên môn cao về những lĩnh vực mà địa bàn đó quan tâm.

Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội

Tạo nhiều chuyển biến tích cực tại địa phương, bộ ngành

Không chỉ ở cấp huyện, tại những nơi Bí thư tỉnh, thành ủy không phải là người địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng cơ bản có nhiều chuyển biến tích cực; không ít vấn đề khó khăn tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ đã được giải quyết hiệu quả.

Ở Cao Bằng, cuối năm ngoái, đây còn là địa bàn nóng về khai thác khoáng sản trái phép. Nay, tình hình đã yên trở lại. Tất cả các hoạt động khai vàng, đất hiếm trên địa bàn đã bị cấm sau chỉ đạo của quyết liệt của người đứng đầu Tỉnh ủy.

Nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ thứ 3 Cao Bằng có Bí thư Tỉnh ủy không phải người địa phương. Đây cũng là thời gian người dân ở đây được chứng kiến nhiều đổi thay rất tích cực. Và hơn cả là lề lối tác phong của cán bộ có nhiều thay đổi.

Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 3.

Ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng

Việc bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương không chỉ tạo động lực cho cá nhân cán bộ được bố trí, mà cũng là nhân tố quan trọng để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy.

Không có quá nhiều ràng buộc bởi mối quan hệ thân quen, địa phương, những quyết định của người đứng đầu sẽ công tâm, khách quan hơn, được sự đồng lòng của cả cấp ủy và nhân dân. Các vấn đề nảy sinh đều được quan tâm xử lý; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; kinh tế xã hội phát triển. Riêng hai năm vừa rồi, thu ngân sách trên địa bàn đã tăng gấp 2 lần so với trước

Bố trí các trưởng cơ quan, đơn vị không phải là người địa phương cũng được các Bộ, Ngành triển khai. Như Bộ Công an, có tới 96,8% Giám đốc Công an cấp tỉnh và 100% Trưởng công an cấp huyện không phải là người địa phương. Và việc này đã góp phần tạo sự chuyển biến rất tích cực trong toàn ngành tại nhiều địa phương.

Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 4.

Như tại tỉnh Quảng Ninh, qua nửa nhiệm kỳ đã giảm hơn 10% tỷ lệ tội phạm hình sự, triệt phá hơn 70 ổ nhóm tội phạm hình sự. Đặc biệt, đầu năm nay, đã triệt phá đường dây rất lớn "trốn thuế, mua bán trái phép, hóa đơn chứng từ" vốn tồn tại nhiều năm nay.

Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 5.

Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh quyết tâm triệt xóa loại tội phạm có nhiều mối quan hệ phức tạp

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tiếp tục đẩy mạnh việc bố trí, sắp xếp cán bộ không phải người địa phương.

Về cơ bản, việc thực hiện nhiệm vụ công tâm, ít bị chi phối, tác động ảnh hưởng, mạnh dạn dám nghĩ dám làm, hiệu quả rất tốt. Bộ Công an nhất quán thực hiện chủ trương trên, đồng thời có lộ trình phù hợp để mở rộng diện áp dụng như Phó Giám đốc Công an cấp tỉnh là Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra và Phó trưởng Công an cấp huyện là Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra.

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an

Mục tiêu đến 2025 cơ bản bố trí Bí thư cấp tỉnh không là người địa phương

Sau Đại hội XIII của Đảng, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự vào cuộc của các cấp ủy, việc bố trí Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đã được các địa phương tích cực triển khai. Đến nay, nhiều tỉnh, thành ủy đã hoàn thành bố trí 100% Bí thư cấp huyện không phải là người địa phương.

Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 7.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đặt mục tiêu đến năm 2025 "cơ bản bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện". Nhưng một số địa phương như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Bình, Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Đắc Nông, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Tây Ninh đã hoàn thành bố trí 100% Bí thư cấp huyện không phải người địa phương.

Đặc biệt, từ sau Đại hội XIII đến nay, Bộ Chính trị đã điều động nhiều cán bộ từ Trung ương về làm Bí thư các Tỉnh ủy, Thành ủy. Số lượng Bí thư Tỉnh ủy không phải là người địa phương ngày một nhiều, chiếm tỷ lệ trên 60%.

Bố trí người đứng đầu không là người địa phương: Tạo nhiều chuyển biến tích cực - Ảnh 8.

Để mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh và hoàn thành bố trí bí thư không là người địa phương ở cấp huyện, cần sự quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy các cấp.

Tại Hội nghị sơ kết của Ban Tổ chức Trung ương mới đây, ghi nhận việc sắp xếp tăng số cán bộ đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương đang được triển khai tốt, đồng chí Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc này.

Chủ trương bố trí người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương đã và đang đem lại tác dụng tích cực. Việc bố trí cán bộ địa phương này đi làm lãnh đạo một địa phương khác nếu được thực hiện một cách khoa học, công tâm, khách quan và phù hợp với thực tiễn không sẽ góp phần giúp cán bộ có động lực, quyết tâm hành động, mà còn xóa bỏ được tình trạng cục bộ địa phương, kìm hãm sự phát triển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước