Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều 20/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
* Bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung 3 nội dung gồm: khoản 3, Điều 146 của Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an); khoản 1, Điều 148 theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án; khoản 1, Điều 155 theo hướng bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga - đại diện cơ quan thẩm tra, tán thành về sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật nhằm bảo đảm đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) và yêu cầu theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội. Việc ban hành Luật cũng đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nói riêng và phù hợp với thực tiễn trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng nói chung.
Nhất trí về sự cần thiết ban hành luật nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định CPTPP, đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) cho rằng quá trình xây dựng dự án Luật và hồ sơ đảm bảo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đã có ý kiến tham gia, việc thông qua theo quy trình rút gọn là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật bởi theo quy định, một trong những điều kiện là để đảm bảo thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các công cụ pháp lý, cụ thể ở đây là Hiệp định CPTPP.
Liên quan đến việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, quy định tại khoản 3, Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự phân biệt trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, Đồn Công an khác với trách nhiệm của Công an xã do tại thời điểm xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Công an xã chưa được bố trí chính quy như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an. Tuy nhiên, trên cơ sở quy định mới của Luật Công an nhân dân năm 2018, Bộ Công an đã triển khai Đề án bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã nên việc sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Công an xã giống như Công an phường, thị trấn, Đồn Công an là phù hợp và cần thiết. Đồng thời, xuất phát từ quy định của pháp luật hiện hành về vị trí, vai trò của Công an xã chính quy và căn cứ điều kiện thực tiễn hiện nay thì việc giao thêm trách nhiệm cho Công an xã sẽ phát huy nguồn lực của lực lượng này trong việc kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo tiếp nhận được và tạo điều kiện giải quyết kịp thời các vụ việc ngay từ giai đoạn mới phát hiện.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phân tích, tại nhiều xã, phường khoảng cách từ xã đến trung tâm thành phố lên đến cả trăm km. Vì thế, nếu giao thẩm quyền cho Công an xã để xác minh ngay, sơ bộ tin báo tố giác tội phạm thì sẽ giúp cho việc bảo vệ hiện trường một cách chặt chẽ, lấy lời khai kịp thời hơn. Việc tham khảo và đánh giá tác động cho thấy, nếu giao việc này cho Công an xã thì tốt hơn cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Hiện nay, lực lượng Công an huyện chính quy chuyển xuống Công an xã rất nhiều. Với số lượng hiện nay, tính theo tỷ lệ bình quân để giao trạch nhiệm cho Công an xã xác minh sơ bộ tin báo ban đầu thì mỗi Công an xã chỉ tiếp nhận 4,3 tố giác tin báo/năm. Do đó, đại biểu tán thành chủ trương bổ sung trách nhiệm cho Công an xã trong tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) nhận định, Bộ Công an đã thực hiện đưa công an chính quy đến tất cả các xã. Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng cho thấy, năng lực, trình độ, khả năng thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của Công an xã với phường, thị trấn hiện nay là như nhau, không có sự khác biệt. Trước đây, Công an xã không phải là chính quy nên yêu cầu nhiệm vụ còn có giới hạn. Tuy nhiên, với việc chính quy hóa Công an xã, việc quy định nhiệm vụ chung cho các đối tượng này là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội hàm kiểm tra, xác minh sơ bộ là những hoạt động gì.
* Cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, mục tiêu xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030; giúp phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô đồng thời xây dựng cơ sở pháp lý để thu thập các chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17 về quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP), rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội. Đồng thời, dự án Luật sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 48 về công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê số 89/2015/QH13 cũng sẽ được thay thế bằng Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này. Kết cấu Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 3 cột: số thứ tự; mã số; nhóm, tên chỉ tiêu với 20 nhóm và 222 chỉ tiêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng dự án Luật chỉ với 3 điều, dù chưa bảo đảm toàn diện các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 3 nhưng đã tiếp thu, sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn cơ nhất, quan trọng nhất, đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước, phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị, cần rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm, hiện nay có 3 nhóm rất quan trọng nhưng số lượng chỉ tiêu thấp như: giáo dục (4 chỉ tiêu); khoa học và công nghệ (6 chỉ tiêu); doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (6 chỉ tiêu).
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trước đây Chính phủ chỉ trình sửa phụ lục, danh mục chỉ tiêu thống kê; sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã tiếp thu sửa thêm một số nội dung rất quan trọng cho điều hành kinh tế vĩ mô. Tên dự án Luật cũng thay đổi thành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.
Theo Chủ tịch Quốc hội, những nội dung được bổ sung lần này xuất phát từ yêu cầu quản lý kinh tế của địa phương. Hiện nay, tất cả Cục Thống kê địa phương chỉ đưa dữ liệu về Tổng cục Thống kê, chứ không tính toán và cung cấp được số liệu thống kê cho điều hành kinh tế - xã hội của địa phương đó nên có tình trạng "đói thông tin". Lần này, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiếp thu, quy định rõ trách nhiệm việc cung cấp thống kê cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc chủ động tính toán thống kê của các Cục Thống kê tại các tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ thực tiễn điều hành, cuối khóa XIV Quốc hội đã tiến hành điều chỉnh GDP xuất phát từ yêu cầu thực tiễn tuy nhiên do thiếu các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình, thẩm quyền thực hiện nên quá trình thực hiện gặp phải khó khăn, lúng túng. Việc điều chỉnh GDP ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô do Quốc hội quyết định như bội chi ngân sách, lạm phát, chỉ số giá, thu nhập bình quân đầu người… Do đó, lần sửa đổi này dự thảo Luật đã quy định về việc điều chỉnh GDP là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát với các quy định như dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu hay chưa; đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc công bố các chỉ tiêu trước và sau khi điều chỉnh GDP để có căn cứ so sánh đối chiếu; so sánh các chỉ tiêu cũng cần bổ sung kết quả so sánh với quý hoặc tháng liền trước đó, bên cạnh việc so sánh với cùng kỳ của năm trước như hiện hành; rà soát thêm về chỉ tiêu giá trị tăng thêm của từng ngành, ngoài chỉ tiêu sản lượng còn cần tính thêm giá trị tăng thêm của từng ngành; bước đầu tính toán về chỉ tiêu kinh tế vùng./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!