Đảng bộ Thành phố Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng
Sáng nay (19/9), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trình Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Là một trong những đảng bộ lớn nhất cả nước, Đảng bộ Thành phố Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của đất nước. Trong thời gian qua, công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện và các phương án nhân sự trình Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 đã được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng theo yêu cầu của Chỉ thị 35 của Bộ chính trị.
Tại cuộc làm việc, tập thể Bộ Chính trị về cơ bản đồng ý với đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó nổi bật là Hà Nội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố.
Kinh tế tăng trưởng khá quy mô GRDP đạt 1,06 triệu tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.400 USD, gấp 1,8 lần bình quân cả nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 5 năm đạt 25 tỷ USD, gấp gần 4 lần giai đoạn trước. Hà Nội đóng góp 16% GDP của cả nước.
Tồn tại, hạn chế cần khắc phục và phương hướng, giải pháp
Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng cho rằng Hà Nội cũng còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là kinh tế chưa tạo được các đột phá lớn, các chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) còn ở vị trí thấp so với cả nước, chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế.
Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức Đảng nhất là ở cơ sở còn thấp, cá biệt có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo để xảy ra những vụ việc nổi cộm, phức tạp, trở thành điểm nóng, hoặc có cán bộ đảng viên vi phạm, bị kỷ luật và xử lý hình sự...
Về phương hướng nhiệm vụ giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025, Bộ Chính trị đã góp một số ý kiến để trong dự thảo văn kiện chính trị làm nổi bật hơn vai trò đầu não đặc biệt quan trọng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị. Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội cần tiếp tục có cơ chế chính sách phù hợp huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững, chú ý phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN
Đặc biệt, Hà Nội phải có chiến lược để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, cải thiện căn bản thứ hạng các chỉ số PAPI, SISPAS.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu trong dự thảo văn kiện chính trị, làm rõ hơn nữa quyết tâm gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!