Ngày 21/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên chuyên đề pháp luật nhằm cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự thảo các Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều về phân loại đô thị và tiêu chuẩn, phân loại đơn vị hành chính. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Cho ý kiến vào dự án luật, một số đại biểu bày tỏ sự quan tâm tới xây dựng cơ chế để chống nạn bạo hành nhân viên y tế, một vấn đề được báo chí phản ánh thời gian qua.
Một số ý kiến cũng đề nghị quy định rõ hơn về quyền, trách nhiệm, quản lý nhà nước với hình thức bác sỹ gia đình cũng như việc sử dụng tiếng Việt đối với người nước ngoài hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam.
Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Hai Nghị quyết vừa được thông qua đều bao gồm 2 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính
Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị (Nghị quyết 1210), Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi ban hành, Nghị quyết 1210 đã trở thành công cụ quản lý quan trọng để đánh giá chất lượng đô thị; phân loại đô thị đã trở thành một trong các cơ sở để lập, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch xây dựng đô thị; quản lý, đầu tư phát triển đô thị; xây dựng điều chỉnh cơ chế chính sách quản lý, đầu tư phát triển đô thị, thành lập đơn vị hành chính đô thị.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày Tờ trình. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Nghị quyết đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và kiến trúc cảnh quan; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210 nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân loại đô thị; xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị, quy trình, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt đề án và các báo cáo phân loại đô thị; đồng thời, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, cấp chính quyền địa phương trong việc phân loại đô thị, kiểm tra, giám sát sau công nhận loại đô thị, theo dõi đánh giá khả năng khắc phục các tiêu chí còn yếu, còn thiếu...
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số nội dung như mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị; quy định về phân loại đô thị áp dụng vùng miền và đặc thù; quy định về hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, công nhận loại đô thị, rà soát, đánh giá phân loại đô thị; quy định về trách nhiệm quản lý, kiểm tra công tác phân loại đô thị và sau khi được công nhận loại đô thị…
Cũng trong chiều 21/9, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (Nghị quyết 1211), Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, dự thảo Nghị quyết nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc biệt là các đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi các quy định về áp dụng để việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới và sắp xếp đơn vị hành chính đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa của đất nước; đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về cách xác định tiêu chuẩn, thời hạn và trình tự, thủ tục phân loại đơn vị hành chính để phù hợp với quy định mới của pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Từ những căn cứ chính trị, pháp lý và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, dự thảo Nghị quyết sửa đổi 24 điều, bổ sung 4 điều mới, bãi bỏ một điều và một Phụ lục của Nghị quyết 1211 với các nội dung sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính; một số quy định về phân loại đơn vị hành chính; điều khoản áp dụng…
Đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 1210, Nghị quyết 1211. Việc sửa đổi, bổ sung hai Nghị quyết sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương, chỉ đạo mới trong Nghị quyết Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh các vùng kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đô thị, sắp xếp, tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính.
Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi sửa đổi, bổ sung như đề xuất của Chính phủ, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của hai Nghị quyết liên quan đến tiêu chuẩn phân loại đô thị, tiêu chuẩn đơn vị hành chính có yếu tố đặc thù, điều chỉnh một số tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể chưa thực sự phù hợp nhằm bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng đô thị.
Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1210, Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa đưa các đô thị loại IV, loại V chịu tác động từ biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai vào diện đô thị có yếu tố đặc thù cần được giảm tiêu chí phân loại đô thị. Mặt khác, việc phát triển đô thị ở những vùng này cần được tính toán, cân nhắc về tính hiệu quả trong đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và mức độ bảo đảm an toàn, an sinh xã hội.
Đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng không xem xét tiêu chí mật độ dân số bởi tính chất đặc thù của đô thị loại này là thường có diện tích di sản cần bảo tồn rất lớn, cần hạn chế việc tập trung dân cư sinh sống ở phần nội đô, có nhiều di sản.
Mặt khác, tuy dân số thường trú tại đô thị không cao, song số lượng người đến tham quan, du lịch, học tập, công tác, lao động thường xuyên lại rất lớn nên yêu cầu đối với hạ tầng và các dịch vụ của đô thị rất cao, cần được nâng cấp, ưu tiên đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân và tạo động lực phát triển cho vùng.
Về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 1211, liên quan đến xác định thế nào là đơn vị hành chính đô thị có yếu tố đặc thù, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định tại các khoản này theo hướng phải bảo đảm đồng thời cả hai yếu tố là có di sản văn hóa vật thể và được quy hoạch là trung tâm du lịch; đồng thời đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn nữa về loại quy hoạch được nêu tại các quy định này để có cơ sở cho việc áp dụng sau này.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc giảm đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện cần tính toán tổng thể sắp xếp trong cả nước; việc bổ sung thêm các tiêu chí, tiêu chuẩn đơn vị hành chính tại đô thị cần căn cứ vào dân số, mật độ dân số. Ngoài ra, hai vấn đề quan trọng nhất, quyết định chất lượng đô thị là trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan đô thị, vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.
"Nên chăng, hai nhóm này nên có thêm điểm thưởng, điểm ưu tiên; có thể cân nhắc bổ sung thêm các tiêu chuẩn về năng lực cạnh tranh đô thị, chất lượng hoặc năng lực của chính quyền đô thị, sự hài lòng của người dân về hệ thống dịch vụ công trong môi trường Chính phủ điện tử", Chủ tịch Quốc hội gợi mở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!