Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV:

Bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu phòng, chống ma túy

TTXVN-Thứ sáu, ngày 08/11/2024 18:49 GMT+7

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

VTV.vn - Chiều 8/11, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Các đại biểu đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Chương trình bởi tác hại của ma túy đối với xã hội và sức khỏe của người dân.

Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, Chính phủ đang đề xuất tổng số vốn thực hiện gần 22,5 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), quy mô vốn nếu so sánh với mục tiêu đặt ra của các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thì còn khá khiêm tốn. Đại biểu đề nghị quan tâm đến cơ chế phân bổ và bố trí vốn đối ứng của địa phương trọng điểm về ma túy, đồng thời Chính phủ cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia về phạm vi, đối tượng, địa bàn thụ hưởng.

Quan tâm đến việc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nhất trí với nguyên tắc Trung ương hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đề xuất với Chính phủ quy định tỷ lệ vốn đối ứng cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách, với tỉ lệ hợp lý để địa phương có thể đáp ứng được. Thực tế hiện nay, các địa phương đang thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tới đây còn 2 chương trình nữa; ngân sách địa phương đã rất cố gắng, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới yêu cầu tỉ lệ đối ứng 1:1 làm cho địa phương nhận ngân sách đến 80% như tỉnh Lạng Sơn rất khó khăn trong việc bố trí. Trong khi đó, Lạng Sơn là tỉnh biên giới, nhiều cửa khẩu, địa bàn trọng yếu về an ninh trật tự, tội phạm về ma túy, nên cần có nguồn lực để có thể thực hiện được các dự án của Chương trình.

Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chương trình. Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nêu ví dụ: Đối với nhóm chỉ tiêu giảm cung, một số chỉ tiêu phấn đấu đạt mức 100% như các tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ đối tượng bán lẻ ma túy, phấn đấu được phát hiện và triệt phá 100%. Theo đại biểu, chỉ tiêu này đạt mức tối đa 100% thì rất khó.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, mục tiêu có ít nhất 80% số trạm y tế xã có đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy khó đạt được vì khả năng tổ chức thực hiện ở tuyến cơ sở còn hạn chế. "Chúng ta đưa ra chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể; tuy nhiên, phải phù hợp các quy định pháp luật hiện hành và tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai", đại biểu kiến nghị.

Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu nêu thực tế hiện nay có nhiều hành vi vi phạm về quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo không đúng chất lượng của sản phẩm, dẫn đến hiểu lầm cho người tiêu dùng, khiến quyền lợi của người tiêu dùng chưa được đảm bảo. Do đó, các đại biểu đề nghị quy định chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm về quảng cáo.

Các đại biểu đề nghị cần minh bạch hơn trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên báo chí; quy định rõ tin bài thông thường và tin bài được tài trợ để quảng cáo. Theo các đại biểu, việc tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí để giúp cơ quan báo chí tăng nguồn thu, thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về vị trí quảng cáo đối với từng loại hình ấn phẩm báo, tạp chí khác nhau. Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc sửa đổi tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%.

Bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu phòng, chống ma túy - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cao Bằng, Gia Lai và An Giang thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Học sinh là đối tượng dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy​

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 8/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Chia sẻ quan điểm bên lề kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng học sinh là đối tượng dễ bị lôi kéo vào tệ nạn ma túy, vì vậy cần tăng cường tuyên truyền kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma túy trong nhà trường, cũng như huy động đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên vào cuộc để vận động, tuyên truyền.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, ma túy là hiểm họa, gây tác hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, những hậu quả khôn lường của ma túy làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, đến duy trì nòi giống và an ninh quốc gia; ma túy luôn rình rập quanh ta, nó có thể tấn công bất cứ lúc nào nếu chúng ta không kịp thời phòng, chống.

Đại biểu Lý Anh Thư (Kiên Giang) đánh giá Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 đã đạt những kết quả rất tốt về tuyên truyền phòng ngừa; đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và quản lý sau cai. Tuy nhiên, trong thực tiễn với diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay, tệ nạn ma túy trên thế giới và các nước láng giềng ngày càng gia tăng, ảnh hướng ít nhiều đến vấn đề phòng, chống ma túy trong nước; bên cạnh đó, tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước ngày càng tăng, đáng lo ngại là độ tuổi người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa.

Trong 10 tháng năm 2024, có gần 800 đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện "ngáo đá" gây ra phạm pháp hình sự, trong đó có 4 vụ giết người. Cả nước hiện có 226.000 người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý. Khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15-25, trong đó có nhiều đối tượng ở độ tuổi 13-15.

"Việc quyết định xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là yêu cầu cấp bách và khách quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình", đại biểu nhấn mạnh. Để hoàn thiện dự thảo và khi ban hành nghị quyết chương trình, đại biểu phân tích, ai cũng mong muốn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy sớm được phát hiện, triệt phá hoàn toàn. Nhưng trên thực tế, các đối tượng bán lẻ ma túy rất đa dạng, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau nên khó phát hiện. Vì vậy, chỉ tiêu "Các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%" ghi trong dự thảo Nghị quyết là cao, cần xem xét lại.

Đồng tình với quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) cho rằng, việc cân nhắc chỉ tiêu phấn đấu các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy được phát hiện, triệt phá 100% là cần thiết. Bên cạnh đó, đại biểu nêu thực trạng, hành vi bán ma túy ngày càng tinh vi, có gói kẹo rất đơn giản, giá rẻ bán cho học sinh, sinh chứa chất ma túy. Đối tượng bán chất ma túy lợi dụng nhóm yếu thế thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số hạn chế về hiểu biết để cung cấp ma túy. Địa hình vùng núi hiểm trở, phức tạp khiến lực lượng tuần tra không kiểm soát được hết. Công nghệ cao bùng nổ nên tội phạm ma túy có thể trồng cây có chất gây nghiện ở nhiều nơi, bằng nhiều cách như trồng trong nhà, trồng không có đất...

Để thực hiện được chỉ tiêu 100% điểm tụ, điểm phức tạp về ma túy được phát hiện triệt phá, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh nêu ý kiến, Bộ Công an nên đề ra biện pháp yêu cầu Công an các cấp rà soát, nắm tình hình, khi phát hiện phải triệt phá và có thời hạn hoàn thành để quyết liệt hơn. Ngoài ra, trong Chương trình cũng đưa ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ, nhà giáo làm công tác giáo dục phòng, chống ma túy được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống; 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, kỹ năng pháp luật về phòng, chống ma túy cho người học.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh, sinh viên chính là đối tượng dễ bị lợi dụng, lôi kéo nhất nên việc tuyên truyền phòng, chống ma túy cần thực hiện thường xuyên, liên tục trong các trường học. Chính cán bộ, nhà giáo là người gần gũi nhất với học sinh, sinh viên nên việc các thầy cô được trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma túy là cần thiết.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, bên cạnh đội ngũ cán bộ, nhà giáo được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy thì Ban soạn thảo Chương trình cần nghiên cứu, bổ sung thêm đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên. Đây là đội ngũ trẻ tuổi, tiếp cận với học sinh, sinh viên rất dễ dàng và cũng có thể thuyết phục các đối tượng nghiện ma túy chấp hành cai nghiện một cách hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước