70 năm sự kiện chuyển quân, tập kết ra Bắc: Đi vinh quang, ở lại anh dũng

Ngọc Hà, Bạch Dương, Chí Trung-Thứ tư, ngày 13/11/2024 21:48 GMT+7

VTV.vn - Cuộc chuyển quân và dân cách đây 70 năm không những thắng lợi về số người tập kết mà đó còn là thành công về mặt tinh thần, tư tưởng "đi vinh quang, ở anh dũng".

Cách đây 70 năm, thực thi Hiệp định Geneva, hơn 70.000 bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam đã được đưa ra Bắc an toàn. Cuộc chuyển quân và dân không những thắng lợi về số người tập kết mà đó còn là thành công về mặt tinh thần, tư tưởng "đi vinh quang, ở anh dũng". Sự kiện thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ để tập trung xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và củng cố lực lượng để đấu tranh giải phóng miền Nam.

Ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được Pháp và Việt Nam thực hiện trong vòng 300 ngày theo Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc hay ở lại đều chuẩn bị đối mặt với cuộc chiến khốc liệt đều là nhiệm vụ cao cả.

70 năm sự kiện chuyển quân, tập kết ra Bắc: Đi vinh quang, ở lại anh dũng - Ảnh 1.

"Nhân dân cũng tin tưởng 2 năm sẽ trở về nhưng anh em ở trong bộ đội đã nhắn nhủ là mình còn phải thống nhất đất nước. Âm mưu của địch là không bao giờ thay đổi. Thế nên, tổ chức những lực lượng bí mật tiếp tục lên trên núi", Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng đoàn Liên hiệp đình chiến Liên khu 5 (năm 1954) cho biết.

Bến Nghiêng, Đồ Sơn, nơi chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng - thành phố cuối cùng ở miền Bắc được giải phóng kể từ sau chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, Hải Phòng trở thành hậu phương lớn để thực hiện khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội nói: "Hải Phòng nhận tất cả những gì phức tạp, nhạy cảm, thậm chí là nguy hiểm sau Hiệp định Geneva. Bởi vì 300 ngày ấy là gián điệp được cài cắm lại rồi những tổ chức phản động chống đối chính quyền cũng đã tập trung về đấy trước khi đi vào Nam. Nhưng Hải Phòng cũng lại là nơi đón một số lượng rất đông cán bộ từ phía Nam ra, đặc biệt là học sinh vì dù sao đi nữa thì Hải Phòng cũng là nơi có điều kiện hơn cả so với các vùng khác".

Sau Hiệp định Geneva, nhiều nông trường quốc doanh được xây dựng ở miền Bắc. Tại nông trường Quý Cao, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức mang dáng dấp Nam Bộ được trùng tu. Đây cũng là nơi Chủ tịch nước thường nghỉ lại trong mỗi lần về thăm đồng bào miền Nam tập kết - những người đã đánh thức vùng đất hoang thành nông trường trù phú.

Hơn 70.000 bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam đã tập kết ra Bắc an toàn. Sự kiện thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong gìn giữ và chuẩn bị lực lượng lâu dài cho cách mạng miền Nam.

Rất nhiều cán bộ và học sinh tập kết ra Bắc ngày ấy sau này đã trở thành những người hiện thực khát vọng "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước