Cách đây đúng 70 năm (14/10/1952), Trung ương Đảng đã quyết định tiến hành chiến dịch Tây Bắc. Chủ trương "tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu, tìm nơi sơ hở của địch mà đánh" đã góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng.
Chiến dịch giành thắng lợi gần 2 tháng sau đó. Chiến thắng quan trọng này đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà để quân và dân ta đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thành công.
Bộ đội ta hành quân trong chiến dịch Tây Bắc, năm 1952. Ảnh tư liệu Bảo tàng LSQG.
Vẫn còn nguyên những vết đạn - dấu tích của trận tiến công vào cứ điểm Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái - mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của quân Pháp.
Đây cũng là mục tiêu đầu tiên trong chiến dịch Tây Bắc diễn ra cách đây đúng 70 năm. Nhận định đây là vùng chiến lược quan trọng, có thể uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc, thời điểm ấy, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt quyết tâm phải giải phóng Tây Bắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cộng sự nghiên cứu sa bàn chuẩn bị đánh đồn nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Ảnh tư liệu
Sau 3 đợt tiến công, chiến dịch Tây Bắc đã thành công. Một vùng rộng lớn trên địa bàn chiến lược với gần 30.000 km2 và 250.000 dân được giải phóng.
Tại Hội thảo quốc gia diễn ra sáng 14/10, với sự tham dự của Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều ý kiến tiếp tục khẳng định tầm vóc lịch sử của chiến dịch, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và tính đúng đắn, sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ.
Khởi đầu là chiến dịch Biên giới năm 1950 do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra trận, đến chiến thắng Tây Bắc cả, dân tộc đã tiến thêm một bước nữa trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, từ đây, đã mở đường đi đến điểm hẹn lịch sử Điện Biên Phủ với quân đội Pháp nửa năm sau đó, trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!