3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm giải ngân, có nên chuyển vốn sang dự án khác?

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 30/10/2023 16:39 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội)

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng với người dân nghèo song việc giải ngân vốn còn chậm, việc thực hiện còn nhiều vướng mắc.

Người dân mong muốn tiếp tục triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào chiều 30/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu quan điểm liên quan việc chậm giải ngân vốn các chương trình. Có đại biểu đề nghị nếu không hoàn thành thì nên chuyển vốn sang dự án khác.

Theo đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng nên cần nhắc về đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn năm 2023 sang 2024.

"Phiên thảo luận hôm nay là nhằm họp để bàn làm sao để hoàn thành cho tốt, cho xong. Cùng lắm chỉ nên kéo dài đến hết quý I năm 2024. Nếu không xong thì sẽ coi như không hoàn thành nhiệm vụ, chuyển nguồn vốn đó sang cho nội dung khác, dự án khác" – đại biểu Trí nói.

ĐBQH TP Hà Nội đề xuất các chương trình mục tiêu quốc gia duyệt kinh phí cho con em vùng sâu vùng xa, hộ nghèo được đi học ở nhà trẻ, mẫu giáo để được dạy dỗ, nuôi nấng. Còn nhiều gia đình không cho con đi học được hoặc đi học ở những cơ sở không đạt chuẩn, kinh phí ít, không chăm sóc tốt cho các cháu. Mức hỗ trợ được đại biểu Trí đề xuất là 500.000 đồng/tháng/cháu. Đối tượng là con em nhà nghèo, đang học, trông giữ tại các cơ sở công lập, dân lập.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam) bày tỏ sự không thống nhất với quan điểm của đại biểu Nguyễn Anh Trí.

3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm giải ngân, có nên chuyển vốn sang dự án khác? - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam)

Đại biểu Phước cho rằng, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm 2 năm nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, mục tiêu hướng đến người dân, đặc biệt là người dân nghèo, đặc biệt khó khăn. Đáng chú ý, đại đa số người dân, các địa phương từ mọi miền đất nước, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đều mong muốn các Chương trình này được tiếp tục triển khai thực hiện, mong muốn Quốc hội được phép kéo dài thời gian thực hiện thay vì thu hồi.

"3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều hướng đến người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên sau 3 năm thực hiện, kết quả vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao. Cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn. Khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực vùng miền, địa phương còn lớn" – ĐBQH tỉnh Quảng Nam nêu rõ.

Đại biểu Phước kiến nghị Quốc hội, Chính phú, các bộ ngành, địa phương hành động nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, thực hiện thực chất hơn để giải quyết các bất cập hiện nay, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Vì sao giải ngân vốn còn chậm?

Cũng phát biểu tranh luận bày tỏ sự không thống nhất với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, việc chậm giải ngân vốn năm 2022, 2023 có một số nguyên nhân.

Theo đó, việc phân bổ vốn, giao vốn ngân sách trung ương còn chậm, phương thức phân bổ vốn còn chưa thống nhất, có chương trình giao tổng vốn, lại có chương trình giao chi tiết đến từng nội dung thành phần cụ thể, chưa tạo sự chủ động của địa phương và khó khăn cho việc lồng ghép nguồn lực, tích hợp chính sách, phân bổ ngân sách trung ương cho một số lĩnh vực chưa phù hợp.

3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm giải ngân, có nên chuyển vốn sang dự án khác? - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh)

Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm yêu cầu phải lập danh mục dự án, phân bổ vốn đến từng dự án thành phần, điều này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, nếu không thống nhất thì phải điều chỉnh lại các chương trình, dự án, kế hoạch, làm kéo dài thời gian. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn đang vướng mắc, một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, dẫn đến giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nằm trong nhóm giải ngân thấp nhất trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài ra, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho rằng, một nguyên nhân quan trọng là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, việc sửa đổi các văn bản bất cập cũng mất nhiều thời gian, dẫn đến việc thực hiện chính sách có độ trễ, việc phân cấp, trao thẩm quyền cho địa phương gắn với một số văn bản chưa rõ ràng, dẫn tới lúng túng và thời gian thực hiện còn chậm. Đặc biệt cơ chế quản lý thực hiện chưa rõ ràng, ảnh hưởng chậm giải ngân vốn của 3 Chương trình.

Đại biểu Lan đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến năm 2024, đồng thời giao HĐND cấp tỉnh điều hòa vốn 2023 để giải ngân hết vốn tồn đọng. Bà Lan cũng đề nghị Chính phủ sớm tình Quốc hội ban hành các chính sách đặc thù, trong đó có chính sách thí điểm phân cấp thẩm quyền cho cấp huyện để quyết định danh mục dự án, cơ cấu nguồn vốn thực hiện chương trình…

Tương tự ý kiến của đại biểu Lan, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đã giúp cho bộ mặt của nông thôn ngày càng khởi sắc, hình thành được nhiều vùng quê đáng sống. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện 3 Chương trình còn nhiều vướng mắc, xung đột giữa các văn bản, sự phối hợp chưa đồng bộ… dẫn đến kết quả giải ngân chậm, khó thực hiện.

Đại biểu Đồng đồng tình với giải pháp phân cấp, phân quyền trọn gói cho các địa phương, mạnh dạn bỏ các quy định về các tiêu chí, nguyên tắc cứng để thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đưa các chương trình, chính sách sẽ đi vào cuộc sống sớm nhất.

Do vậy, đại biểu tỉnh Quảng Trị đồng tình với giải pháp phân cấp, phân quyền trọn gói cho các địa phương, mạnh dạn bỏ các quy định về các tiêu chí, nguyên tắc cứng để thuận lợi cho quá trình triển khai, góp phần đưa các chương trình, chính sách sẽ đi vào cuộc sống sớm nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước