Tỉnh Thái Nguyên hiện có 46 dân tộc, trong đó gần 30% là người dân tộc thiếu số, cư trú chủ yếu trên các triền núi cao. Tại những vùng dân tộc này, các trưởng thôn, trưởng bản là những hạt nhân kết nối, tăng cường sức mạnh đoàn kết trong thôn bản.
Anh Sinh, người dân tộc Mông (xóm Lân Quang, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cho biết, thời gian trước, một số người đến nhà anh để tuyên truyền đạo lạ, bảo anh đừng đi nương ngày thứ Bảy, Chủ nhật, dành toàn bộ thời gian này ngồi hành lễ, làm thế chết mới được lên thiên đàng. Thấy tuyên truyền bỏ nương, anh đã báo ngay với trưởng xóm.
Ông Hồ, trưởng xóm Lân Quang như người thân thiết với bà con dân tộc Mông nơi đây. Có bất kỳ vấn đề gì, bà con đều chia sẻ với ông. Trước đây, đã từng có đạo lạ tuyên truyền bà con xóa bỏ tín ngưỡng truyền thống, thậm chí bỏ lao động sản xuất không làm gì, bỏ tiền mua vé để chờ lên thiên đàng vào ngày tận thế. Nhiều bà con đã bỏ rẫy cho đến khi không còn gì ăn. Ông Hồ đã phải thường xuyên đi lại khuyên giải.
Thậm chí, ông Hồ cùng với chính quyền địa phương cũng đã đến gặp những người tự xưng là con của Đức Chúa Trời như bà Sinh. Bà Sinh đã cam kết không tuyên truyền những điều trái với chính sách pháp luật và văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Xóm Lân Quang có 100% người là dân tộc Mông, tuy nhiên vẫn còn tới 70% hộ thuộc diện nghèo. Vào mùa giáp hạt, mặc dù vẫn còn khó khăn, nhưng các hộ nghèo vẫn sẵn sàng hỗ trợ cho các hộ nghèo hơn để thoát được cái đói. Tình làng nghĩa xóm được kết nối, bởi những trưởng xóm như Trưởng xóm Hồ và cán bộ cơ sở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!