Quy mô nền kinh tế đã tăng khá cao sau đánh giá lại với mức tăng 25,4%, kéo theo hàng loạt thay đổi các chỉ tiêu kinh tế khác, trong đó có chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người GDP, thu, chi ngân sách GDP. Việc đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, là cơ sở để chúng ta hoạch định nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Vậy liệu quy mô GDP thay đổi có gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp? Trên thực tế, việc thay đổi GDP là hoàn toàn bình thường và nếu để thời gian càng xa, con số càng lớn. Đối với trường hợp Việt Nam vừa qua, bởi để quá lâu mới đánh giá lại nên con số 25,4% không phải là đáng quan ngại.
Do GDP thay đổi nên GDP bình quân đầu người cũng tăng khoảng 25,6% mỗi năm so với con số đã công bố, tương ứng với mức tăng 10,3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, việc đánh giá lại GDP có tác động vĩ mô nhiều hơn là trực tiếp tới người dân. Sau đánh giá, quy mô nền kinh tế đã được thống kê chuẩn xác hơn. Đây là nền tảng để hoạch định các chính sách kinh tế vĩ mô sát thực hơn, tạo điều kiện để tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!