Ảnh minh họa.
Động thái hạ lãi suất khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 4/3 đã kéo theo một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới tham gia làn sóng nới lỏng tiền tệ, mới nhất là Canada. Ngân hàng Trung ương nước này vừa quyết định hạ lãi suất chủ chốt từ mức 1,75% xuống 1,25% nhằm đối phó với dịch COVID-19. Trước đó, Australia, Malaysia, Philippines và Thái Lan cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Thái Lan công bố một gói cứu trợ khẩn cấp với giá trị hơn 3,17 tỷ USD nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp và người nghèo vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Biện pháp cứu trợ khẩn cấp này sẽ bao trùm tất cả các lĩnh vực, kể cả hỗ trợ tiền mặt cho cá nhân.
Chính phủ Đức đã đưa ra kế hoạch 3 giai đoạn để hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm gói hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Tái thiết Đức, hoãn nộp thuế. Nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn ở mức độ lớn và các công ty đóng cửa, Đức sẽ áp dụng các biện pháp tương tự như đã được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tại Hàn Quốc, chính phủ nước này đã đề xuất một gói ngân sách bổ sung trị giá gần 10 tỷ USD để ứng phó dịch COVID-19 và kích thích nền kinh tế. Đây là khoản bổ sung lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc nhằm đối phó với các tác động của dịch bệnh.
Hai thể chế tài chính là Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp 50 tỷ USD và 12 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế còn cam kết sẽ hành động nhanh để giải quyết những đề nghị về các khoản vay lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất thấp từ các nước đang hứng chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!