Ngày 28/9, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học tự nhiên Tokyo dẫn đầu bởi Giáo sư Nihei Yasuo đã tiến hành cuộc thử nghiệm về thảm họa thiên nhiên có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản. Theo đó, con đê được xây dựng bằng đất và bê tông sẽ trải qua trận động đất giả lập cấp 7, sau đó hứng chịu hàng loạt cơn sóng thần. Chỉ sau sáu phút, con đê đã vỡ gần như hoàn toàn.
"Một dạng thảm họa phức hợp thực tế đã từng diễn ra ở các tỉnh Đông Bắc, với động đất và sóng thần xảy ra đồng thời. Nhật Bản là đất nước có nguy cơ phải đối phó nhiều dạng thảm họa thiên nhiên và chúng tôi cho rằng những thảm họa như vậy có thể lăp lại nhiều lần nữa", Giáo sư Nihei Yasuo - Trường Đại học Khoa học tự nhiên Tokyo, Nhật Bản cho hay.
Nhiều khu vực của Nhật Bản, trong đó có vùng thủ đô Tokyo và vùng Osaka được đánh giá có thể đối mặt với một thảm họa phức hợp, bao gồm động đất, sóng thần và lở đất. Một thảm họa như vậy có thể tàn phá một thành phố và cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.
Cuộc thử nghiệm của nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học tự nhiên Tokyo đã cho thấy sức chịu đựng yếu ớt của các công trình xây dựng hiện nay trước một thảm họa thiên nhiên phức hợp.
Giáo sư Nihei Ya nói: "Đối phó với nhiều thảm họa thiên nhiên cùng lúc là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, tôi cho rằng các công ty xây dựng cần tăng khả năng chống động đất để đảm bảo các công trình xây dựng không bị rạn nứt, vỡ, sau động đất, qua đó gia tăng khả năng chống chịu các dạng thảm họa tiếp theo".
Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng có đến 70% khả năng một trận động đất quy mô lớn sẽ tàn phá thủ đô Tokyo trong vòng 30 năm tới và nếu động đất xảy ra vào mùa mưa lũ tổn thất sẽ càng lớn hơn. Vào lúc này Chính phủ và các nhà khoa học Nhật Bản vẫn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đối phó với các thảm họa phức hợp và giảm thiểu thiệt hại sinh mạng và vật chất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!