Thậm chí, đã có những "ngân hàng lưu động" đến tận các vùng quê, nơi lâu nay người dân thường ngại ngần với các thủ tục vay vốn. Người dân ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa gọi đây là "ngân hàng lưu động" khi hôm nay ngân hàng ở xã này, ngày mai lại ở xã khác. "Ngân hàng lưu động" chính là chiếc xe ô tô tựa như một ngân hàng thu nhỏ, tại đây người dân có thể giao dịch với ngân hàng, khi vay tiền, lúc thì trả nợ...
Từ cuối năm 2018, Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa bắt đầu thực hiện giao dịch lưu động thông qua xe chuyên dùng. Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, đồng thời tháo gỡ những nút thắt về mặt thủ tục vay vốn là hai việc trọng tâm lúc này đối với 38 chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Một trong các lý do tín dụng đen có "đất sống" chính là từ lâu nay, việc cho vay tiêu dùng chưa được đẩy mạnh ở hầu hết tổ chức tín dụng. Nguyên nhân là do có một thực tế đi kèm với cho vay tiêu dùng là khối lượng giao dịch lớn, kéo theo chi phí giao dịch tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này có thể được giải quyết với những thay đổi trong cách thức hoạt động của ngân hàng.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tín dụng đen, giải pháp có tính ngắn hạn vẫn là tạo ra những kênh vay vốn với thủ tục nhanh gọn, không đòi hỏi về tài sản đảm bảo, qua đó người dân dễ tiếp cận và "đất sống" của tín dụng đen thực sự bị thu hẹp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!