Biết được các hình thức lách luật như vậy nhưng để các cơ quan chức năng giải quyết tận gốc là điều không đơn giản.
Cho vay nặng lãi từ 200-300%/năm, gây mất trật tự an toàn xã hội từ việc siết nợ là các tội danh mà hầu hết các ổ nhóm cho vay nặng lãi đều vi phạm.
Nhiều vụ án đã được xử lý, nhiều đối tượng đã bị khởi tố nhưng chặn khu vực này, các ổ nhóm tín dụng đen lại mọc lên chỗ khác.
Chỉ riêng tại Nho Quan, Ninh Bình hiện nay vẫn còn hàng chục ổ nhóm núp bóng dưới hình thức các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Dù đã khởi tố nhưng khung hình phạt theo quy định của pháp luật, hầu hết các đối tượng chỉ bị xử lý hành chính. Trường hợp xử lý hình sự cũng phạt tù từ 1-2 năm hoặc cải tạo không giam giữ nếu không có thêm các tội danh khác.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, 4 năm gần đây, cả nước có gần 8.000 vụ án liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 3/4 là tại các vùng nông thôn. Nguyên nhân khiến nhiều người vẫn tìm đến tín dụng đen là do thủ tục, điều kiện vay rất đơn giản, người vay không cần nêu rõ nhu cầu, mục đích vay. Cùng với đó, món vay thường nhỏ, không cần tài sản đảm bảo và những điều này đều đánh đúng tâm lý của đa số người dân. Do vậy, muốn đẩy lùi thực trạng này, vấn đề cốt lõi nhất là thay đổi nhận thức của người dân về hệ lụy của tín dụng đen.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!