Thể thao Việt Nam đã để lại dấu ấn lớn tại SEA Games 28 với 73 HCV, trong đó có tới 64 HCV đến từ các môn thể thao Olympic. Nếu như ở SEA Games 27, tỷ lệ giành HCV của các môn Olympic chỉ đạt 64% thì năm nay con số đó đã đạt tới hơn 85%, thành tích mà chúng ta có được khi nhiều nội dung thế mạnh đã bị cắt giảm.
Ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp, thành tích tốt nhất của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là 4 phút 42 giây 88 nhưng cô còn thiếu gần 10 giây mới chạm đến tấm HCĐ tại Olympic 2012. Tương tự ở những cự ly khác, tính trung bình cô cũng thiếu 5 giây mới đến được thành tích HCĐ tại Thế vận hội cách đây 3 năm.
Không thể phủ nhận, điền kinh là môn thể thao thứ hai thành công tại SEA Games 28. Nổi bật nhất là Nguyễn Thị Huyền khi cô đã giành hai vé đến Olympic 2016 nhưng đoạt huy chương tại Thế vận hội là một câu chuyện khác.
Ở nội dung 400m rào, tuy Nguyễn Thị Huyền đã xô đổ kỷ lục SEA Games tồn tại hơn 20 năm nhưng cô còn cách thành tích tấm HCV Asiad 17 là 0,38 giây. Còn ở cự ly 400m, cô cũng cách 0,41 giây để đạt đến thành tích giành Vàng của VĐV Bahrain - Kemi Adekoya. Trong khi đó, từ Asiad tới Olympic là một khoảng cách khá xa. Vì vậy, thành tích vượt qua vòng loại Olympic đã là điều đáng mừng cho Nguyễn Thị Huyền.
Bắn súng cũng là môn thế mạnh của thể thao Việt Nam tại các kỳ SEA Games và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành cái tên quen thuộc trong nhiều đại hội thể thao khu vực. Thế nhưng, anh vẫn chưa thể giành được HCV tại Á vận hội. Ở Asiad 16, Hoàng Xuân Vinh từng bị mất Vàng vì tâm lý. 4 năm sau, anh cũng chỉ giành được HCĐ. Có lẽ, tấm huy chương Vàng ở Á vận hội sẽ luôn lỡ hẹn với Hoàng Xuân Vinh cũng như bắn súng Việt Nam.
Với những con số được thống kê cho thấy, đấu trường Đông Nam Á và đấu trường thế giới vẫn còn khoảng cách rất xa. Vì vậy, để đứng trên đỉnh vinh quang của Asiad hay Olympic, thể thao Việt Nam phải quyết tâm nỗ lực về mọi mặt, chứ không thể nhìn từ thành công của một kỳ SEA Games.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.