Với tổng giải thưởng hơn 70 triệu USD, Esports World Cup 2025 trở thành sự kiện có giá trị giải thưởng lớn nhất trong lịch sử thể thao điện tử. 40 đội tuyển hàng đầu thế giới đã tham gia Chương trình Đối tác Câu lạc bộ, mỗi đội nhận được khoản tài trợ lên tới 1 triệu USD để phát triển thương hiệu và kết nối với người hâm mộ
Các đội tuyển như Team Liquid, G2 Esports và T1 coi đây là cơ hội để mở rộng tầm ảnh hưởng và củng cố vị thế trên bản đồ esports toàn cầu. Tuy nhiên, một số đội tuyển bày tỏ lo ngại về việc thiếu minh bạch trong việc tiết lộ các mối quan hệ tài trợ, điều này có thể vi phạm luật pháp tại nhiều quốc gia .
Đối với các tuyển thủ, Esports World Cup 2025 là cơ hội để khẳng định bản thân và đạt được danh vọng. Tuy nhiên, áp lực từ kỳ vọng của người hâm mộ và các nhà tài trợ có thể ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu.
(Có thể nói rằng Esports World Cup vừa là giải đấu mang tầm cỡ quốc tế vừa là nước đi để quảng bá cho đất nước đăng cai tổ chức)
Một số tuyển thủ chia sẻ rằng việc thi đấu tại Saudi Arabia - một quốc gia thường bị "réo tên" bởi các vấn đề nhân quyền, khiến họ không thấy thoải mái. Họ mong muốn các tổ chức esports toàn cầu đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng khi lựa chọn địa điểm tổ chức các giải đấu lớn.
Góc nhìn từ truyền thông quốc tế: Hào quang hay "sportswashing"?
Việc Saudi Arabia đầu tư mạnh vào thể thao điện tử, bao gồm việc tổ chức Esports World Cup 2025, đã dấy lên nhiều tranh cãi về việc sử dụng thể thao để cải thiện hình ảnh quốc gia, hay còn gọi là "thể thao để tẩy trắng".
(Song song với việc quảng bá tên tuổi cho nước đăng cai, nhiều tranh luận xoay quanh cho rằng giải đấu này nhằm mang tính chất là tẩy trắng, không tập trung vào chuyên môn)
Các tổ chức nhân quyền như Amnesty International và Human Rights Watch đã lên tiếng chỉ trích việc Saudi Arabia sử dụng các sự kiện thể thao để che đậy các vấn đề lùm xùm khác. Họ kêu gọi cộng đồng esports toàn cầu cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tham gia các sự kiện được tài trợ bởi các quốc gia có "hồ sơ xấu" - theo cách gọi của họ.
Giấc mơ và giới hạn: Thể thao điện tử bước vào kỷ nguyên “vàng son”... nhưng giá nào?
Nếu chỉ nhìn vào con số 70 triệu USD, người ta dễ lạc quan nghĩ rằng đây là "thời đại hoàng kim" của thể thao điện tử. Nhưng khi tiền bạc đổ về ồ ạt, cũng là lúc mọi ánh mắt bắt đầu đặt câu hỏi: "Ai đang điều khiển cuộc chơi?"
Một bộ phận cộng đồng game thủ, đặc biệt là ở Trung Đông và châu Á, bày tỏ sự hào hứng khi khu vực của họ cuối cùng đã có tiếng nói và sân chơi quốc tế. Họ gọi đây là "thời khắc lịch sử" và là sự công nhận cho giá trị của esports trên toàn cầu.
Ngược lại, nhiều game thủ phương Tây cảm thấy thất vọng - "Tôi muốn chơi game và cống hiến, không phải trở thành công cụ PR cho cá nhân hay tổ chức nào", một tuyển thủ giấu tên chia sẻ với trang Kotaku.
Hashtag #BoycottEWC đã từng xuất hiện vào năm 2024, và khả năng cao sẽ quay trở lại trong năm 2025, nếu các câu hỏi về tính minh bạch chưa được giải quyết.
Truyền thông quốc tế: Sự khen ngợi thận trọng và cái nhìn hoài nghi
Một số tờ báo thể thao như ESPN Esports hay The Esports Advocate gọi đây là bước tiến vượt bậc, nhấn mạnh việc liên kết nhiều bộ môn từ Dota 2, Valorant tới cả cờ vua, tạo ra một “Thế vận hội của esports”.
(Nhưng dù "ai nói ngả nói nghiêng" giải đấu này là nơi đổi đời cho các tổ chức Esports và game thủ)
Tuy nhiên, những cây bút đến từ The Guardian, VICE hay Bloomberg thì không ngần ngại gọi đây là “trò chơi song song” giữa thể thao điện tử và chiến dịch PR. Họ đưa ra một ví dụ rõ ràng: sự kiện 2024 thu hút 2.6 triệu khách du lịch và 500 triệu lượt xem online, nhưng không hề có bất kỳ cuộc họp báo nào đề cập đến các vấn đề lùm xùm trong suốt thời gian tổ chức.
Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng các tổ chức như Riot Games, Valve hay Blizzard nên tham gia giám sát độc lập, đảm bảo tính minh bạch cho cả giải đấu và đối tác tham gia. Đồng thời, các tuyển thủ, đội tuyển và người hâm mộ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc chọn lựa giải đấu phù hợp với giá trị cá nhân và cộng đồng.
Esports World Cup 2025 giống như một viên kim cương khổng lồ – rực rỡ, quý giá, nhưng cũng ẩn chứa những tì vết. Nó đặt ra câu hỏi không chỉ về ngành game, mà còn về cách thế giới vận hành niềm vui, danh vọng và quyền lực.
Liệu thế giới esports sẽ chấp nhận cuộc chơi này, hay sẽ vẽ lại ranh giới giữa vinh quang và đạo đức?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!