Thường thì các đội bóng thi đấu dài ngày, đặt cơm theo thực đơn tại nơi lưu trú vừa kiểm soát được dinh dưỡng vừa yên tâm về vệ sinh. Nhưng với đội bóng đá nữ Sơn La, quán cơm bình dân, siêu thị, đâu cũng được miễn hợp khẩu vị và no cái bụng để đá bóng.
Chi phí là cả một câu chuyện lớn của đội bóng miền núi trong lần đầu tiên dự giải vô địch quốc gia. Cái gì cũng phải tiết kiệm. Không có tiền thuê xe thì đặt khách sạn gần sân Thống Nhất luôn. Đá xong cả đội đi bộ về.
Hơn 3/4 cầu thủ trong đội hình đội bóng đá nữ Sơn La đều là dân tộc thiểu số, quanh năm chỉ có tập luyện tại địa phương. Chuyến đi này vừa là thi đấu vừa là trải nghiệm một môi trường sống hoàn toàn khác biệt
"Em rất là phấn khởi khi được vào TP Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên bước chân vào đây em thấy rất vui. Mọi người dễ gần và hiền lành".
"Em cảm thấy cuộc sống ở TP Hồ Chí Minh rất náo nhiệt và ồn ào. Lần đầu tiên ở một nơi đất khách không ai quen nên mọi người đều rất buồn và thấy nhớ nhà".
Với bóng đá nữ Sơn La, dù vẫn còn vô vàn những khó khăn nhưng những cô gái này vẫn cố gắng theo đuổi sự nghiệp quần đùi áo số cùng với những mong muốn hết sức đơn giản: " Bọn em cũng mong muốn có một trợ lý là nữ để bọn em có thể chia sẻ được nhiều điều hơn. Thầy là nam nên nhiều khi cũng khó nói".
Khoảng 6 năm trước, Sơn La đã chọn phát triển môn bóng đá nữ như một giải pháp cho mong muốn đẩy mạnh thể thao ở một tỉnh còn nhiều khó khăn. Đội bóng chơi tại giải vô địch quốc gia năm nay chính sản phẩm của lứa cầu thủ đầu tiên ngày đó. Chính vì vậy dù kết quả trên sân như thế nào, chuyến đi này là phần thưởng đầu tiên cho những cô gái dân tộc quyết theo đuổi nghiệp quần đùi áo số.