Paul Scholes
Tiền vệ người Anh bị bệnh hen suyễn bẩm sinh. Tưởng chừng căn bệnh này sẽ ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp thi đấu của anh nhưng Scholes đã đấu tranh và giành thắng lợi trước nó; để rồi, ánh hào quang bủa vây anh trong quãng thời gian thi đấu cho Man United.
Mamadou Sakho
Mẹ của anh qua đời khi anh mới 13 tuổi. Lúc này, Sakho trở thành trụ cột của gia đình. Anh từng ngấn nước mắt tâm sự rằng thời điểm tồi tệ nhất trong cuộc đời là khi anh sông vô gia cư trong vài tuần ở Paris. Và với Sakho, cách duy nhất để anh thoát khỏi khó khăn là bóng đá.
Aleksandar Duric
Năm 20 tuổi, Duric phải chạy trốn khỏi Doboj, Nam Tư để đến Serbia vì sợ một cuộc chiến tranh xảy ra sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Một năm sau, anh trở thành người tị nạn tại Hungary khi buộc phải rời Serbia mà không có hộ chiếu, tiền bạc hay địa chỉ liên lạc trong bối cảnh các cuộc chiến tranh sắc tộc nổ ra triền miên. Năm 1993, mẹ anh qua đời trong một cuộc tấn công pháo binh ở Bosnia & Herzegovinia. Đau đớn thay khi Duric không thể tham dự đám tang của người mẹ yêu quý.
Đến năm 1995, Duric tìm thấy cơ hội chơi bóng ở Australia và sau chuyển sang S.League trong những năm cuối thập niên 90. Năm 2007, anh trở thành công dân Singapore và có màn ra mắt đội tuyển đảo quốc sư tử vào năm đó. Thời điểm đó, Duric tròn 37 tuổi.
Blaszczykowski
Với tiền vệ của Dortmund và Ba Lan, giây phút ám ảnh anh đến cả cuộc đời là lúc ba anh giết mẹ khi Blaszczykowski còn là một đứa trẻ.
Hector Castro
Thời niên thiếu, Hector Castro bị cụt tay trong một tai nạn hy hữu với cái cưa. Chính vì điều này nên mọi người đặt cho ông biệt danh “El Manco”, có thể tạm dịch là “người một tay”. Thế nhưng, vượt lên số phận, ông trở thành huyền thoại của Uruguay và CLB Nacional. Dấu ấn đậm nét nhất của Castro là bàn thắng mà ông ghi được trong trận chung kết World Cup 1930.
Mario Balotelli
Năm lên ba tuổi, Balotelli đã trải qua nhiều ca phẫu thuật ruột. Sau đó, anh được đưa vào diện “chăm sóc nuôi dưỡng” ở Brescia – cách 1000 km nơi anh được sinh ra là Palermo.
Garrincha
Garrincha sinh ra với dị tật bẩm sinh. Số là, chân trái ông ngắn hơn chân phải tới 6 inches (tức hơn 15cm) và cong vào bên trong. Tưởng chừng như dị tật này sẽ khiến ông không thể trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp nhưng Garrincha đã biến bất lợi này thành lợi thế với phong cách lừa bóng độc đáo cùng những bước di chuyển khéo léo bên cánh phải khiến đối phương bất ngờ. Ông chính là ngôi sao sáng giá trong hai chức vô địch của Brazil ở World Cup 1958 và 1962.
Rio Mavuba
Rio Mavula được biết khi anh được sinh ra ngay trên biển trong một cuộc nội chiến ở Angola. Năm hai tuổi, mẹ anh qua đời. Mười năm sau, Mavuba trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh không được công nhận công dân nước Pháp cho đến khi 20 tuổi. Thế nhưng, những nỗ lực sau đó của Mavuba giúp anh thành công trong sự nghiệp của mình. Tiền vệ này đã có chín lần ra sân trong màu áo les Bleus.
Franck Ribery
Năm lên hai tuổi, Ribery và gia đình gặp phải tai nạn xe hơi kinh hoàng. Vụ tai nạn này không cướp đi sinh mạng nhưng để lại trên mặt tuyển thủ Pháp này những vết sẹo không bao giờ phai.
Đã vậy, cuộc sống nghèo túng khiến tuổi thơ của Ribery phải trải qua trên những công trường nắng gắt mưa dầm. Thế nhưng, tất cả khó khăn đó không khiến ước mơ trở thành cầu thủ của anh chùn bước. Thành quả, “Gã mặt sẹo” đang là ứng viên nặng ký cho giải thưởng Ballon d’Or 2013.
Tim Howard
Cha mẹ ly dị năm anh mới ba tuổi. Thế nhưng, cuộc sống nghiệt ngã vẫn chưa chịu buông tha Howard. Sáu tuổi, anh bị hội chứng Tourette. Biểu hiện của triệu chứng này là nháy mắt, ho, hắng giọng, hít mạnh và méo mặt. Tùy độ nặng nhẹ của bệnh mà người mắc triệu chứng này có những biểu hiện mạnh yếu với nó.
Tuy nhiên, vượt trên tất cả, Howard tìm đến với trái bóng tròn và sau này anh bén duyên với nghiệp “quần đùi áo số” ở vị trí thủ môn. Những thành công hiện tại là kết tinh từ những gian khó ở tuổi thơ dữ dội của anh.