Kình ngư Ánh Viên là niềm tự hào của thể thao quân đội. Ảnh: VTV Online
Những gương mặt VĐV tiêu biểu như: Mẫn Bá Xuân (vật), Vũ Thị Nguyệt Ánh, Lê Bích Phương (karatedo), Vũ Văn Huyện (điền kinh), Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc, Hà Minh Thành (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thanh Hải (bơi), Nguyễn Thị Thu Ngân (taekwondo), Nguyễn Thị Kim Hoàng (Vovinam)... đã đóng góp nhiều thành tích đáng quý cho đoàn thể thao Việt Nam tại các sự kiện thể thao khu vực, châu Á và thế giới.
SEA Games 27 - Tiếp tục lập công lớn
SEA Games 27 vừa qua, thể thao quân đội vinh dự đóng góp vào thành tích chung của đoàn TTVN với 14HCV (9 cá nhân, 5 đồng đội). Trong đoàn TTVN dự đại hội lần này, 51 HLV - VĐV quân đội đã nỗ lực thi đấu quyết tâm cao nhất để đạt thành tích tốt nhất, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Từ xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cho đến đô vật Nguyễn Thế Anh..., tất cả đều thể hiện sự gương mẫu trong sinh hoạt, thi đấu; tôn trọng phong tục, tập quán, tuân thủ luật pháp của nước chủ nhà cũng như các quy định của Đại hội.
Tại SEA Games 27, bắn súng Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra khi giành tới 7HCV. Trong đó, người đặt dấu ấn vào thành tích này chính là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Thành tích 3HCV (1 cá nhân, 2 đồng đội) của Hoàng Xuân Vinh tại Đại hội thể thao Đông Nam Á đã nói lên đóng góp và tầm quan trọng của xạ thủ này.
Ở môn điền kinh, khi nhiều niềm hy vọng vàng không đạt được chỉ tiêu vì nhiều nguyên nhân, anh bộ đội Nguyễn Văn Lai lại âm thầm lặng lẽ góp 2HCV. Từ một tuyển thủ không nhận được nhiều sự kỳ vọng, Lai đã tỏa sáng, chiến thắng ngoạn mục ở đường chạy 5.000m và 10.000m. Đặc biệt, ở 2 nội dung này, TTVN chưa bao giờ giành được thành tích cao nhất tại Đại hội thể thao Đông Nam Á.
Thể thao Quân đội có được lực lượng VĐV đông đảo là vì trong nhiều năm qua, công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện của các đơn vị thể thao thành tích cao quân đội luôn được coi trọng và đạt hiệu quả cao. Hầu hết các đội thể thao có 3 tuyến VĐV. Một số đội tổ chức tốt việc tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ như: đội bóng chuyền Thể Công, bắn súng, bóng bàn, thể dục, karatedo, vật, điền kinh (Trung tâm TDTT Quân đội), taekwondo, võ cổ truyền, vovinam, pencak silat, quyền Anh (Trung tâm TDTT Quốc phòng 2/Quân khu 7), bơi (Trung tâm TDTT Quốc phòng 5/Quân chủng Hải quân), bóng chuyền nữ (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc).
Ngoài ra, các VĐV trọng điểm, có tiềm năng giành huy chương tại đại hội TDTT toàn quốc còn được chọn cử đi tập huấn tại nước ngoài như một số VĐV môn bơi, vật và điền kinh. Công tác tuyển chọn, đào tạo trẻ, huấn luyện nâng cao của một số đơn vị (đội) thể thao thành tích cao quân đội đã trở thành thương hiệu, truyền thống, được nhân dân tin tưởng gửi gắm con em đến tập luyện như đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh Thông tin, bơi, bắn súng, quyền anh...
Đầu tư mạnh mẽ cho thể thao thành tích cao
Nếu nói là cho đi tập huấn nước ngoài dài hạn thì hầu như lính “thể thao” quân đội ít được đi, bù lại, cơ sở vật chất huấn luyện của quân đội có thể coi là nhất nhì cả nước. Quân đội hiện có 2 SVĐ (thuộc Quân khu 7 và Quân khu 5); 10 nhà tập và thi đấu đa năng, thuộc các Quân khu (3, 4, 5, 7, 9), Quân đoàn 4, Quân chủng Hải quân, Binh chủng Thông tin liên lạc, Trung tâm TDTT Quân đội, trong đó có một số nhà thi đấu đủ điều kiện tổ chức các giải đấu cấp quốc gia và những sự kiện văn hóa trong nước. Ngoài ra, còn có một số nhà tập luyện chuyên môn cho một số đội thể thao khác.
Hiện nay, Quân đội có 11 đơn vị thể thao thành tích cao thực hiện nhiệm vụ tổ chức tuyển chọn, huấn luyện và thi đấu đối với các tuyến VĐV thuộc 24 môn thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia. Trong đó, lá cờ đầu là Trung tâm TDTT Quân đội thuộc Cục Quân huấn. Đây là đơn vị TDTT đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký quyết định thành lập “Đội công tác TDTT” của quân đội, tiền thân của Trung tâm TDTT Quân đội.
Trong số các đơn vị thể thao thành tích cao quân đội tham gia đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games lần thứ 26 - 2011, Trung tâm TDTT Quân đội là đơn vị đóng góp nhiều HLV, VĐV nhất, đồng thời giành trên 2/3 tổng số huy chương là của các VĐV quân đội đạt được tại SEA Games 26 (giành 24/34 HC, trong đó có 12/13 HCV, 6/14 HCB, 6/7 HCĐ). Từ phát triển mạnh của phong trào thể thao quần chúng, nhiều gương mặt VĐV đã được phát hiện, đào tạo và trở thành những tài năng cho thể thao nước nhà ở những sự kiện thể thao quốc tế quan trọng, góp phần đưa thể thao Việt Nam nâng tầm châu lục và thế giới.
Có được cơ sở vật chất tốt, lực lượng ổn định và xây dựng có chiến lược, có đủ 3 tuyến đào tạo, vì vậy, tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc, đoàn thể thao quân đội luôn giữ vững vị trí thứ 3 chung cuộc.
Tuy nhiên, để có được thành tích cao hơn ở các đấu trường cấp châu lục, Đại tá Phạm Ngọc Dương - Trưởng phòng TDTT Quân đội đánh giá: “Thời gian qua, chúng tôi đã đào tạo được một số VĐV đạt đẳng cấp khu vực và châu lục. Tuy nhiên, mức độ đầu tư cho những VĐV trọng điểm quốc gia để có thể đạt đẳng cấp cao hơn thì vẫn chưa tương xứng. Vì vậy, ở những cuộc thi lớn, tầm cỡ Asiad hay Olympic, thậm chí ở đấu trường SEA Games 27 vừa qua, một vài tuyển thủ quốc gia vẫn để lại sự nuối tiếc cho giới chuyên môn cũng như người hâm mộ. Đối với số VĐV trọng điểm quốc gia thuộc quân đội quản lý, chúng tôi đề nghị các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT trong quân đội để xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao thành tích VĐV trong thời gian tới với mong muốn quân đội tiếp tục được đóng góp công sức vào sự phát triển phong trào TDTT nước nhà mà cụ thể trước mắt là Asiad 17 tại Incheon - Hàn Quốc”.